thế hoặc năm sáu trăm năm, hoặc ba bốn trăm năm, hoặc năm sáu mươi
năm, cũng phải có một lần biến. Cái biến ấy đã khác với cái thường, thì
phàm ai gặp phải thời ấy, bước vào cái cảnh ấy, ngổn-ngang những biến-cố
ở trước mắt, chồng-chất những khối lỗi ở trong lòng, mới phải mượn đến
bút mực để chép ra, như những truyện anh-hùng, truyện phong-tình, truyện
trung-thần, liệt-nữ, truyện đạo-sĩ, ni-cô, chẳng qua là mượn ngòi bút, tờ
giấy để chép những cái cảnh-ngộ lịch-duyệt của bản-thân mà thôi. Truyện
Thúy Kiều có lẽ cũng là một thứ sách như thế cả.
Kiều ngẫu-nhiên mà sinh ra, mà có sắc đẹp, mà lại đa tình, cho đến khi
đi Thanh-minh, khi gặp Kim Trọng, khi bán mình chuộc cha, đều là ngẫu-
nhiên cả ; cả đến lúc bị hãm ở thanh-lâu, lúc đối-chất ở phủ-đường, lúc đã
đâm đầu xuống tiền-đường, lúc lại đoàn viên với Kim Trọng, cũng đều là
ngẫu-nhiên cả. Đem bút mực tả lên trên tờ giấy nào những câu vừa lâm-ly,
vừa ủy-mĩ, vừa đốn-tỏa, vừa giải-thư, vẽ hệt ra một người tài-mệnh trong
mười mấy năm trời, cũng là vì cái cảnh lịch-duyệt của người ấy có lâm-ly,
ủy-mĩ, đốn-tỏa, giải-thư, thì mới có cái văn tả hệt ra như thế vậy. Thế thì
Thúy Kiều không cần phải có người thực mới có truyện, song cũng phải có
người như thế mới có truyện vậy.
Khổng-tử nói rằng : « Tiểu-tử sau không học kinh Thi, kinh Thi có thể
xem-xét được biến-cố, có thể hưng-khởi được lòng người, có thể biết lẽ ở
đời, có thể hả-hê được những nông-nỗi uất-ức ở trong lòng ». Mạnh-tử có
nói rằng : « Ai khéo đọc kinh Thi không nên nệ câu văn mà làm hại lời,
không nệ lời mà làm hại ý, cứ lấy ý đón lấy cái chí của cổ-nhân mà hiểu
được, thế là được ». Ai đọc truyện Kiều mà hiểu được ý những lời nói ấy,
thì cái người mà ta gọi là Thúy Kiều có thể sớm tối lúc nào cũng gặp được
vậy.
Tháng hai năm Mậu-tí, niên-hiệu Minh mệnh, viết ở Cẩm đàm trang-
thứ.