của chế độ thuộc địa và thực dân, nhất là tiến hành quốc sách chống Cộng
nhằm tiêu diệt hết hạ tầng cơ sở của Cộng Sản cố gài lại tại Miền Nam sau
khi Việt Minh đã rút hết khoảng 80.000 cán binh CS ra miền Bắc theo các
điều khoản quy định của bản hiệp định này. Những thành quả mà chính phủ
của Tổng Thống Ngô Đình Diệm thu hoạch được trong chín năm cầm
quyền (1954-1963) cần phải được nghiên cứu lại trong tinh thần đánh giá
công bình, đúng đắn dưới ánh sáng của lịch sử.
1.1. Vấn đề ý thức hệ chính trị.
Trong cuộc chiến giữa hai miền nam và bắc Việt Nam, điểm quan trọng
trong sự tranh chấp Quốc-Cộng đó là vai trò của một hệ thống tư tưởng mà
chế độ Đệ nhất Cộng hòa đã sử dụng làm lợi khí đấu tranh để xây dựng các
cơ chế dân chủ và xã hội. Chủ thuyết của miền nam lúc bấy giờ là chủ
thuyết Nhân Vị vốn được coi là nền tảng tư tưởng hoạt động của Cần Lao
Nhân Vị Cách Mạng Đảng do ông Ngô Đình Nhu thành lập tại Sài gòn năm
1950.
Về phương diện tư tưởng, ông Ngô Đình Nhu đã có ý thức về sự cần thiết
của một chủ nghĩa trong công cuộc xây dựng đất nước. Ông đưa ra chủ
thuyết Nhân Vị (Personalism) khơi nguồn từ một số triết thuyết của Tây
Phương như nhóm Esprit của Emmanuel Mounier, một số tông thư của các
Giáo Hoàng Lêô XIII hay Giáo Hoàng Piô XI, đã được ông hoàn chỉnh lại
để phù hợp với tình hình của một quốc gia Á châu, nhằm đối đầu với chủ
nghĩa Cộng Sản ở miền Bắc. Ngày 8-1-1963, trong cuộc nói chuyện với
một cử tọa gồm các nhà trí thức, các giáo sư đại học, giáo sư trung học và
cán bộ tại Trung Tâm Thị Nghè, ông Ngô Đình Nhu giải thích rằng:
"...mình đánh nhau với Cộng Sản, bây giờ Cộng Sản nó đánh mình với một
Ý Thức Hệ, mà chúng ta không có một Ý Thức Hệ cứng rắn, rõ ràng, trong
tâm trí chúng ta để đối lại, để có lẽ sống mà đánh Cộng Sản thì chúng ta sẽ
bị ý thức hệ Cộng Sản lan tràn lung lạc." [3]
Cũng trong bài nói chuyện đó, ông Ngô Đình Nhu nhấn mạnh: " Muốn
phục vụ con người trong xã hội thì con người đó phải tiến, xã hội đó phải
tiến. Nhưng xã hội chỉ tiến được với những con người có ý thức nhiệm vụ.
Cho nên, trên nguyên tắc, chúng ta phải nhìn nhận rằng cần phải có một ý