nghĩa của nó. Sự thật, mấy tiếng đó xếp lại bên nhau có thể tạo nên một
phương châm thiết thực nhất và cao cả nhất cho đời sống cá nhân và xã hội.
Cần lao nhân vị gọn gàng là một triết lý của đạo làm người. Cần lao không
có nghĩa là làm việc suông, vì chữ cần nói lên rằng người làm việc đang
tâm hướng về một mục tiêu nào đó. Và mục tiêu này được tức khắc bày tỏ
bằng hai tiếng nhân vị. Cần lao là để phát huy và để bảo tồn nhân vị, chứ
không phải để phục vụ tư lợi hay để làm mọi cho giai cấp đấu tranh. Nói
cách khác, cần lao nhân vị là đặt giá trị con người trên việc làm, và con
người lấy việc làm để củng cố chỗ đứng của mình giữa trời và đất."
Tác giả Nguyễn Phương nêu ra thông điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II có tên Laborem Exercens (con người làm việc) trong đó Đức
Giáo Hoàng đặt vấn đề lao động trên một nền tảng chưa chủ thuyết kinh tế
hiện có nào đã đặt, nhìn con người qua việc làm, bất cứ việc làm này thuộc
phạm vi vật chất hay tinh thần. Xin thử trích một vài đoạn từ thông điệp
Laborem Exercens: "Khi chúng tôi nói đến sự tương phản giữa lao động và
tư bản, không phải chúng tôi nói đến một quan niệm trừu tượng hay một
mãnh lực phi vị (impersonal) đang chuyển hành trong cuộc sản xuất kinh
tế. Đàng sau cả hai quan niệm đó (lao động và tư bản) vốn có con người
sống động, con người như thấy được trong thực tế của cuộc đời."
Vì đó, theo tác giả Nguyễn Phương, vấn đề lao động trở thành vấn đề cần
lao, nó không còn là nô lệ của lợi tức như trong chủ thuyết tư bản, hay nô lệ
của đảng phái, như trong chế độ Cộng Sản, mà nó là của con người làm
việc, của xã hội loài người. Thông điệp đề cập đến một lối xã hội hóa gọi là
xã hội hóa thỏa đáng (satisfactory socialization) khác hẳn với lối xã hội hóa
với nhà nước hay đảng làm chủ nhân ông của Cộng sản. Xã hội hóa thỏa
đáng là đem một số các phương tiện sản xuất làm của chung nhưng dưới sự
điều động của cần lao và tư bản. Như thế sẽ thực hiện được chủ thuyết bảo
toàn giá trị con người, mà thông điệp gọi là thuyết nhân vị (personalism).
Với chính sách đặc thù của Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, Cần Lao Nhân
Vị là "một chính sách được trình bày với màu sắc của địa phương. Con
người không được quan niệm như là tối thượng, mà là một loại đầu đội
Trời chân đạp đất. Ở trong tam tài Thiên Địa Nhân, con người không thể