D
Dân tộc và Quốc gia [Đức: Volk und Nation; Anh: people and
nation]
Chữ Volk vừa có nghĩa là “nhân dân”, đối lập với người lãnh đạo, vừa
có nghĩa là một cộng đồng được hợp nhất bởi tập tục, tình cảm và ngôn
ngữ. Ban đầu nó có nghĩa là “đám đông”. Nhưng cùng với sự ra đời của
chủ nghĩa dân tộc, nó có thêm nghĩa là một “dân tộc” quan hệ với nhau bởi
ngôn ngữ, tập tục, văn hóa và lịch sử, cái có thể, nhưng không nhất thiết
phải được hợp nhất trong một NHÀ NƯỚC duy nhất. Chữ Volk này không
có nghĩa tách bạch rõ ràng với chữ Nation, được du nhập vào tiếng Đức ở
thế kỷ XIV từ chữ natio trong tiếng La-tinh, chữ natio này lại có gốc từ chữ
nasci (“được sinh ra”) và do đó biểu thị một tập hợp người cư ngụ một khu
vực riêng biệt và có quan hệ với nhau bằng dòng dõi. Nhưng từ thế kỷ
XVIII, chữ Nation mang hàm ý chính trị và biểu thị một cộng đồng có ý
thức về một di sản chính trị-văn hóa chung và nhằm mục đích hình thành
một nhà nước, ngay cả khi cộng đồng ấy chưa làm được điều đó.
Các khái niệm Volk và Nation chịu ảnh hưởng bởi những sự phát triển
ở Pháp, và nhất là bởi Montesquieu, mà công trình L”Esprit des lois (Tinh
thần pháp luật, 1748) của ông xem xét những hàm ý về những sự khác
nhau của quốc gia đối với luật pháp và hiến pháp. Ngữ thức “tinh thần quốc
gia” (esprit de la nation) xuất hiện lần đầu ở Montesquieu (mà Hegel nhắc
đến với sự tán đồng trong ETW, cũng như trong các công trình thời kỳ sau):
nó là kết quả từ ảnh hưởng của các biến cố lịch sử và của môi trường tự
nhiên đến tính cách của một dân tộc.
Nhưng mối quan tâm của người Đức đối với dân tộc và quốc gia có
một vài nguồn khác nữa: sự chia cắt dân tộc Đức thành nhiều nhà nước và
việc người Pháp hạ nhục họ đã dẫn đến việc nhấn mạnh đến Volk hay