những thành viên không phải cấp thấp. Có lẽ Hegel sẽ đáp trả điều này
rằng: 1) Không có gì cho thấy rằng bất kỳ chế độ nô lệ đang có nào đã nô lệ
tất cả những ai, và chỉ những ai, theo quan niệm của Aristoteles, vốn là
những nô lệ tự nhiên cả; 2) không có nô lệ tự nhiên nào hết, vì (năng lực
của ta dùng để) tư duy là đang phát triển một cách cố hữu và nội tại và
không thể bị đóng băng bởi tự nhiên ở mức độ thấp; nhưng 3) vì nô lệ có
thể, do một số hoàn cảnh, chỉ tư duy ở mức độ thấp - và cũng vì Hegel ngại
ngùng trong việc phê phán HIỆN THỰC - nên 1) và 2) không có nghĩa sự
nô lệ, bất kỳ khi nào và bất kỳ ở đâu nó tồn tại, PHẢI bị xóa bỏ ngay lập
tức. Những định nghĩa đơn độc là nguy hiểm như các luật gia đã nghĩ, là
điều không rõ ràng.
Quan niệm của Hegel về định nghĩa, có thể đối chiếu hữu ích với nhận
định của Nietzsche về TRỪNG PHẠT: “mọi khái niệm mà toàn bộ tiến
trình về mặt kí hiệu học đều tập trung vào nó thì lẩn tránh định nghĩa”.
Hoàng Phú Phương dịch
Đối lập (sự, mặt, cái) [Đức: Gegensatz; Anh: opposition]
Chữ Gegensatz (“sự trái ngược, sự đối lập, sự tương phản, phản đề”),
được hình thành vào thế kỷ XV để dịch chữ opposito trong tiếng La-tinh
(từ động từ opponere, “đặt ngược lại”), thoạt đầu là một thuật ngữ pháp lý,
có nghĩa “đem một vụ việc mâu thuẫn ra tòa”. Từ nó mới có tính từ là
gegensätzlich (trái ngược, tương phản), nhưng động từ tương ứng là
entgegensetzen (đặt ngược lại, đối lập, tương phản). (Động từ gốc là setzen,
nghĩa là “ĐẶT ĐỂ”, “THIẾT ĐỊNH”). Ngoài chữ Gegensatz ra, Hegel
thường dùng quá khứ phân từ entgegengesetzt (đối lập, trái ngược) và danh
từ Entgegensetzung (“sự đối lập”). Ông cũng sử dụng chữ Polarität (sự
phân cực, sự đối cực), một chữ có gốc Hy Lạp được đề xuất ở thế kỷ
XVIII, và chữ Gegenteil (“đối lập”, “nghịch đảo”), một chữ Đức bản địa.