nảy sinh từ sự phân chia của một sự thống nhất nguyên thủy. Trong tác
phẩm Bruno, ông quảng diễn yêu sách của Giordano: “Ai muốn biết được
những bí ẩn sâu kín nhất của tự nhiên thì phải quan sát và chiêm nghiệm
các giá trị tối thiểu và tối đa [đối với Bruno, chúng trùng khít nhau] của các
mâu thuẫn và các mặt đối lập. Có một ma thuật diệu kỳ để có thể rút ra cái
đối lập sau khi người ta đã tìm ra điểm hợp nhất rồi”. (Della causa,
principio ad uno (Về Nguyên nhân, Nguyên tắc, và sự Hợp nhất), V, 1584).
Schelling (giống như Hegel) cũng chịu ảnh hưởng bởi các hiện tượng đối
cực như: điện và từ.
Sự đối lập cũng là một đặc điểm của các khái niệm và mệnh đề:
Aristoteles đã phân biệt các mệnh đề đối lập hay tương phản (opposite or
contrary) (ví dụ, “Tất cả A đều là B”, và “Không có A nào là B”) với các
mệnh đề mâu thuẫn (contradictory) (ví dụ “Tất cả A đều là B” và “Một số
A không phải là B”). Nhưng Gegensatz bao hàm cả MÂU THUẪN (ví dụ,
(nó là) “đỏ” và (nó là) “không đỏ”) lẫn tương phản (ví dụ, “trắng” và
“đen”). Vì vậy, khi nghiên cứu về sự đối lập, Hegel bao gồm luôn việc thảo
luận về luật bài trung hay luật “[không] mâu thuẫn” (Gegensatz), cũng như
luật về số âm và số dương (BKT I, §119).
Sự đối lập có tính phân cực là tư tưởng trung tâm của Hegel. Nó có
những đặc điểm chính như sau:
1. Một sự vật chỉ có một cái đối lập: nếu bắc đối lập với nam, thì nó
không thể đối lập với bất kì hướng nào khác. (Nguyên tắc này được Plato
đưa ra và Aristoteles tán thành. Aristoteles dùng nó để phát hiện tính hàm
hồ trong từ ngữ: nếu “(góc) nhọn” đối lập với cả (góc) tù lẫn (góc) bẹt, thì
“(góc) nhọn” có đến hai nghĩa).
2. Nếu hai sự vật đối lập nhau, thì về bản chất chúng gắn liền với nhau
và không thể tách rời nhau. Một ví dụ vật lý học được Hegel dùng xuyên
suốt trong công trình của mình để minh họa cho hiện tượng này là nam
châm: không thể có thanh kim loại nào chỉ bị từ hóa ở một cực; nếu ta cưa