Đời sống đạo đức theo nghĩa của người Hy Lạp là bất khả phục hồi.
Nhưng theo nghĩa rộng, bất kỳ xã hội ổn định nào cũng cần đời sống đạo
đức, tức một hệ thống các quy phạm tập tục được các thành viên của nó
chấp nhận. Luân lý (Moralität) có lý tính tiền giả định các quy phạm như
thế, nếu nó muốn có nội dung xác định nào đó, và chỉ riêng tính tư lợi
không thôi thì sẽ không gắn kết xã hội với nhau lại. (Về mặt xã hội, cách cư
xử thích hợp không thể được đảm bảo chỉ bằng SỨC MẠNH, trừ phi
những người nắm giữ quyền lực ít ra cũng được thúc đẩy và hướng dẫn bởi
đời sống đạo đức). Nhưng đời sống đạo đức hiện đại phải điều hòa TÍNH
CHỦ QUAN luân lý với TÍNH ĐẶC THÙ tư lợi, vốn do sự can thiệp của
lịch sử làm nảy sinh. Vậy nên, nó khác với phiên bản cổ đại về ba phương
diện. Thứ nhất, giống như đời sống đạo đức cổ đại, nó bao hàm gia đình và
nhà nước. Nhưng bây giờ, nó còn có thêm XÃ HỘI DÂN SỰ, một lĩnh vực
hoạt động kinh tế tự tư tự lợi do nhà nước giám sát, nhưng có sự độc lập
đáng kể so với đời sống kinh tế cổ đại. Thứ hai, nó đảm bảo các QUYỀN
cá nhân, chẳng hạn như quyền lựa chọn bạn đời và sự nghiệp. (Hegel suy
luận một cách sai lầm, từ lối đọc Plato của ông, rằng những quyền này bị
phủ nhận đối với hầu hết người Hy Lạp). Thứ ba, khác với người Hy Lạp,
thành viên có giáo dục của một nhà nước hiện đại không chấp nhận một
cách không-phản-tư các quy phạm và định chế của xã hội mình. Họ chấp
nhận chúng là vì họ đã phản tư về sự biện minh thuần lý cho chúng. (Việc
đưa ra một sự biện minh như vậy là mục đích trung tâm của triết học
Hegel). Do đó, đời sống đạo đức hiện đại dành không gian cho CHỦ THỂ,
cũng như cho bản thể, và cho sự tự do chủ quan, cũng như cho sự tự do
khách quan.
Nguyễn Văn Sướng dịch
Đối tượng [Đức: Gegenstand; Anh: object] → Xem: Khách thể/Đối
tượng/Khách quan (sự, tính, cái) [Đức: Objekt und Objektivität; Anh:
object and objectivity]