giá trị của tập tục, nhưng có thể vẫn đúng về mặt luân lý”, hay “việc ấy là
đáng làm, vì nó có lợi riêng cho tôi”. (Nghiên cứu của Hegel, dù được lý
tưởng hóa, nhưng không phải là sai hẳn, qua câu chuyện về Alcibiades,
người Athen thế kỷ V TCN, đã bị mọi người chỉ trích vì có riêng một bộ
sưu tập nghệ thuật). Luân lý cá nhân không có chỗ trong một cộng đồng
như vậy, và thường được Hegel gọi là “BẢN THỂ đạo đức”. Các thành
viên của nó có sự TỰ DO khách quan, chứ không có sự tự do chủ quan.
Hegel đưa ra nhiều lý do cho sự sụp đổ của đời sống đạo đức
(Sittlichkeit) Hy Lạp:
1. Trong HTHTT, nó được quy cho sự xung đột không thể giải quyết,
được miêu tả đặc biệt sinh động trong bi kịch Antigone của Sophocles, giữa
luật lệ của các vị thần ở thế giới bên dưới [cõi âm], chi phối GIA ĐÌNH và
do phụ nữ cai quản, với luật lệ của các vị thần trên đỉnh Olympia, vốn chi
phối quyền lực NHÀ NƯỚC và do nam giới cai quản. (Vua Creon cấm
chôn người anh trai phản bội của Antigone, nhưng cô có bổn phận phải
chôn cất anh mình). Xung đột này ban đầu không phải là giữa cá nhân và
nhà nước, mà là giữa các phương diện khác nhau của đời sống đạo đức;
nhưng, theo quan niệm của Hegel, những đòi hỏi xung đột nhau đối với cá
nhân sẽ mở đường cho chủ nghĩa cá nhân.
2. Hegel thường gán một vai trò trung tâm trong sự sụp đổ của đời
sống đạo đức Hy Lạp cho việc Socrates tra hỏi các giá trị tập tục. Ông xem
Cộng hòa của Plato không phải là một LÝ TƯỞNG, mà là một nỗ lực vô
vọng nhằm khôi phục lại đời sống đạo đức hài hòa.
3. Những cuộc chinh phục của Alexander Đại đế và của các hoàng đế
La Mã tạo nên những xã hội ngày càng rộng lớn hơn, mà các thần dân của
những xã hội này chắc chắn là xa cách với những người cai trị của họ và
phải quay trở lại dựa vào các nguồn lực của riêng mình.