đức, đặc biệt, đối với Kant, một quy luật luân lý là do lý tính ban bố, chứ
không phải do tập tục, và, dù nó có giá trị hiệu lực đối với mọi tồn tại có lý
tính, thì vẫn được chứng thực bởi cá nhân, chứ không phải bởi cộng đồng.
[Nơi Kant], tính từ sittlich được đánh đồng với “moral” [luân lý] hay
“ethical” [đạo đức] và danh từ trừu tượng Sittlichkeit được đánh đồng với
“morality” [luân lý].
Hegel thường sử dụng từ Sitte theo các nghĩa ấy khi bàn về các quan
niệm của các tác giả khác. Nhưng từ rất sớm, ông phân biệt giữa Sittlichkeit
với Moralität: Moralität là luân lý cá nhân, do lý tính, lương tâm hay các
TÌNH CẢM của riêng ta ban bố, còn Sittlichkeit là các quy phạm đạo đức
được thể hiện trong các tập tục và các định chế của xã hội. Những khái
niệm này không tương phản nhau một cách đơn giản, mà quan hệ với nhau
một cách có hệ thống: trong nhà nước lý tưởng, dựa theo cuốn Cộng hòa
của Plato, mà Hegel phác thảo trong PQTN, Moralität, xét như là luân lý cá
nhân, tư sản, được gán cho giai cấp thương gia và sản xuất của cải, trong
khi Sittlichkeit được dành riêng cho giai cấp cai trị, chiến binh. Nhưng
trong các tác phẩm sau, đặc biệt là trong HTHTT, THPQ và BKT III, mối
quan hệ giữa chúng là như sau: trong cả ba tác phẩm này, nghiên cứu về
luân lý (Moralität) theo trường phái Kant đi trước nghiên cứu về đời sống
đạo đức (Sittlichkeit). Nhưng thứ tự này tương ứng với thứ tự lô-gíc của
chúng (hay, trong HTHTT, tương ứng với thứ tự chúng xuất hiện đối với
độc giả của Rousseau và Kant), chứ không phải thứ tự xuất hiện của chúng
trong LỊCH SỬ. Về phương diện lịch sử, đời sống đạo đức (Sittlichkeit)
của thành quốc Hy Lạp đi trước sự xuất hiện của luân lý cá nhân chủ nghĩa.
(Thành quốc Hy Lạp không phải là hình thái chính trị đầu tiên trong lịch
sử: đi trước nó là vô số xã hội phương Đông phi-cá nhân chủ nghĩa, và
trong MH, Hegel cho rằng thần thoại Hy Lạp cho thấy sự ra đời của văn
minh Hy Lạp là từ các xã hội ấy và từ sự chế ngự các sức mạnh tự nhiên
mà chúng đại diện. Theo quan niệm của Hegel, đời sống đạo đức của người
Hy Lạp, ít nhất là vào lúc đầu, là sự hài hòa hoàn toàn giữa cá nhân và xã
hội của mình. Cá nhân không thể nói: “làm điều này điều nọ là vi phạm các