1. Hegel không thích sự đồng nhất trừu tượng của Lô-gíc học truyền
thống và luật đồng nhất. Một số phản bác của ông về điều này (chẳng hạn
rằng nó giới hạn ta vào những phát biểu thuộc kiểu “hành tinh là hành tinh”
và rằng một yêu sách về sự đồng nhất thuộc dạng “A=A” hay “A=B” ipso
facto (tự bản thân sự việc) là gồm hai thực thể (tức là hai kí hiệu ngôn ngữ
học)) đã bị hiểu sai. Những phản bác cơ bản của ông là như sau:
a) Ông gặp khó khăn trong việc không biết làm thế nào một vật có thể
có một QUAN HỆ (Beziehung) với chính mình mà không qua đó tự nhân
đôi chính mình. Chữ tiếng Đức để chỉ “được quan hệ (với)” là động từ phản
thân sich beziehen (auf) (áp dụng, quan hệ với), vốn gợi ý đến sự tự-quan-
hệ chủ động mà không có chữ tương đương trong tiếng Anh, là một tác
nhân cho khó khăn ấy. Một tác nhân khác là mô hình hay hệ hình
(paradigm) của sự tự đồng nhất đối với Hegel và các nhà duy tâm Đức khác
chính là sự đồng nhất của cái Tôi, tức Tôi = Tôi, vốn có vẻ bao hàm một
loại tự-nhân-đôi chính mình.
b) Ông xem yêu sách rằng một vật là tự đồng nhất một cách trừu
tượng có nghĩa là nó hoàn toàn tự khép kín và không chứa đựng sự tự-dị-
biệt-hóa bên trong nào cả. Tuy nhiên, một vật thuộc loại này ắt hoàn toàn
trống rỗng và vô-quy-định. Chỉ bằng cách tự-quan-hệ với những vật khác
một cách chủ động và tự-dị-biệt-hóa chính mình với những vật khác, và
trong quá trình tự-dị-biệt-hóa mình với chính mình, thì một thực thể mới có
được một bản tính nhất định. Một lần nữa, mô hình lại là cái Tôi: Tôi = Tôi
xét như là cái Tôi là trống rỗng; nó có được nội dung bằng cách quay trở lại
với chính mình từ cái khác.
Hegel cũng phản bác luật về Verschiedenheit [sự khác nhau] trong
chừng mực nó xem sự khác nhau chỉ là dửng dưng đối với các hạn từ khác
nhau chứ không như kết quả của sự tự-dị-biệt-hóa chủ động.
2. Các học thuyết thần học và siêu hình học về sự thống nhất đòi hỏi
nhiều hơn là sự đồng nhất trừu tượng và sự khác biệt trừu tượng của giác