cái nhìn tương tự về thế giới xét như là một toàn bộ: Thượng Đế không
phải là một tác nhân ngoại tại áp đặt mục đích của mình lên thế giới và
hướng thế giới tới mục đích cuối cùng của nó; Ngài (hiểu như là Khái
niệm) là nội tại trong thế giới và cái thiện đã được hiện thực hóa rồi, nhưng
vì sai lầm là một bước sơ bộ cần thiết trên đường đến với CHÂN LÝ, và là
cấu phần của CHÂN LÝ, nên diễn trình hiện thực hóa của cái thiện chứa
đựng ảo tưởng rằng cái thiện chưa được hiện thực hóa cũng như chứa đựng
việc vạch trần ảo tưởng ấy (BKT I, §212A).
Vì tư tưởng đích thực phản chiếu ĐỐI TƯỢNG của nó, tư tưởng của
Hegel cũng mang tính mục đích luận: HỆ THỐNG xét như là một toàn bộ,
và các bộ phận của nó, thường được quan niệm như là diễn trình hiện thực
hóa hay diễn trình PHÁT TRIỂN của một khái niệm. Nhưng về điều này,
ông có hai mô hình khác nhau: (1) sự lớn mạnh của một sinh thể hữu cơ từ
mầm sống; (2) sự sống của một sinh thể hữu cơ đã phát triển. Về hai mô
hình này, mục đích luận của Hegel không ngụ ý rằng mỗi bước đi trong
KHOA HỌC (cũng giống như những bước đi trong phép chứng minh hình
học) được quy định và có thể giải thích được chỉ bằng phần “kết luận” của
khoa học. Một sinh thể hữu cơ đã phát triển không có sự “kết luận” nào, mà
chỉ có tính hợp mục đích tương hỗ. Các giai đoạn sinh trưởng của một cái
cây được quy định bởi khái niệm đã được mã hóa trong mầm sống của nó,
chứ không phải bởi trạng thái cuối cùng của nó, ngoại trừ trong chừng mực
trạng thái này là mặc nhiên trong khái niệm của nó. Mô hình (1) thích hợp
cho từng bộ phận của hệ thống mà ta đã đọc qua, vì mỗi một bộ phận có
một sự kết thúc (ví dụ như Ý niệm tuyệt đối của Lôgic học), và mỗi một
giai đoạn là “chân lý” hay “sự thật” của giai đoạn trước đó của nó. Mô hình
(2) thích hợp cho hệ thống xét như là một toàn bộ, là cái tạo thành một
vòng tròn (của các vòng tròn) mà không có sự kết thúc hay bắt đầu nào.
Một trong những vấn đề chính của Hegel là sự hòa giải giữa mô hình (2)
với tính chất tuyến tính bên ngoài của LỊCH SỬ.
Đinh Hồng Phúc dịch