N
Nghệ thuật, Đẹp (cái) và Mỹ học [Đức: Kunst, Schönheit und
Ästhetik; Anh: art, beauty and aesthetics]
Từ tiếng Đức (die) Kunst (“nghệ thuật, tài khéo, thủ công”, bắt nguồn
từ động từ können: “có thể, có năng lực”), giống như từ Hy Lạp techne, vốn
nguyên thủy không có quan hệ đặc biệt nào với từ cái đẹp (Schönheit) hay
với những gì được gọi là “các ngành mỹ thuật” (die schönen Künste) được
biết ở thế kỷ XVIII. Nghĩa nguyên thủy ấy tương phản với (1) bảy “ngành
nghệ thuật tự do” ở thời trung cổ (bao gồm cả thiên văn học, toán học và
triết học) và với (2) thủ công, tài khéo hay nghề nghiệp. (Kunst, khác với từ
“art” trong tiếng Anh, không có mối liên hệ đặc biệt với hội họa). Khái
niệm về mỹ thuật, bao gồm kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, hội họa và thi ca
có nguồn gốc từ Plato. Nhưng Plato xét nghệ thuật và cái đẹp một cách
riêng rẽ (chẳng hạn, bàn về cái đẹp trong đối thoại Symposium và bàn về
nghệ thuật trong đối thoại Cộng hòa) cũng như nơi Aristoteles (trong quyển
Thi pháp học của ông).
Đối với Plato và Aristoteles, nghệ thuật, nếu không đơn giản chỉ là
một nghề thủ công, thì chủ yếu là sự mô phỏng giới tự nhiên và cuộc đời.
Các nhà Plato-mới, nhất là Plotinus, lần đầu tiên so sánh người nghệ sĩ với
đấng tạo hóa (nhất là với “đấng tạo hóa thần linh/Demiurg” trong đối thoại
Timaeus của Plato, là kẻ làm cho những Ý NIỆM hiện thân trong vật chất).
Như thế, người nghệ sĩ không chỉ mô phỏng những sản phẩm của tự nhiên,
mà còn mô phỏng hoạt động sáng tạo của tự nhiên: trong tác phẩm nghệ
thuật, người nghệ sĩ hiện thực hóa ý niệm trong vật liệu khả giác. Vào thế
kỷ XVII và XVIII, nghệ thuật vẫn còn được xem là sự mô phỏng, nhưng
cách nhìn này đã bị Goethe, Hegel và nhất là Schelling bác bỏ, vì Schelling
đã đặt sự sáng tạo của người nghệ sĩ ngang hàng với sự sáng tạo của giới tự
nhiên.