mặc nhiên trong nó (BKT I, §161A). Do đó, trong khi ý niệm lô-gíc xét như
một cái toàn bộ phát triển thì quan hệ của một phạm trù lô-gíc nhất định với
các phạm trù khác phản ánh đặc trưng của các sự vật mà phạm trù ấy áp
dụng vào. Chẳng hạn, vì một BẢN THỂ không phát triển thành những tùy
thể của nó, mà xuất hiện ra hay ánh hiện vào chúng, phạm trù về bản thể
xuất hiện tương tự trong phạm trù về tùy thể. Nhưng khái niệm lô-gíc phát
triển, thiết định cái vốn là mặc nhiên trong nó, theo một cách thức tương
ứng với sự phát triển của một thực thể hiện thân cho khái niệm, chẳng hạn
như một hạt mầm. Lối tiếp cận hai lần với sự phát triển của ý niệm lô-gíc
phản ánh vai trò kép mà Hegel dành cho nó: một mặt, ý niệm lô-gíc là khái
niệm nằm sẵn trong thế giới xét như một cái toàn bộ, cũng như trong các
phương diện của nó chẳng hạn như lịch sử của triết học: theo đúng nghĩa, ý
niệm lô-gíc xét như một cái toàn bộ thì phát triển. (Trong, chẳng hạn BKT I,
§114, tồn tại và bản chất được cho là phát triển). Mặt khác, ý niệm lô-gíc
bao gồm các phạm trù HỮU HẠN khác nhau có thể áp dụng vào cho các
thực thể hữu hạn bên trong thế giới; với tư cách đó, chỉ các phạm trù của
Học thuyết về Khái niệm mới phát triển theo nghĩa khái niệm; các phạm trù
thấp hơn trong Học thuyết về Tồn tại hay Học thuyết về Bản chất thì không
phát triển.
Lưu Quốc Khánh dịch
Phổ biến/Phổ quát, Đặc thù và Cá biệt/Đơn nhất (cái) [Đức: das
Allgemeine, das Besondere und das Einzelne; Anh: universal,
particular and individual]
Tiếng Đức có một từ bản địa và một từ gốc La-tinh dùng cho những
chữ này:
1. (a) Allgemein (“tổng quát, phổ biến”) nghĩa đen là “chung (gemein)
cho tất cả (all)”. Nó phát sinh ra danh từ (das/ein) Allgemeine (“(cái) phổ
biến”) và (die) Allgemeinheit (“tính phổ biến”). (b) Vào thế kỷ XVI,