R
Ranh giới, Giới hạn và Hữu hạn (tính/sự) [Đức: Grenze, Schranke
und Endlichkeit; Anh: limit, restriction and finitude]
Cái gì có một điểm cuối hoặc đi đến một điểm cuối (Ende) là endlich
(hữu hạn). (Chữ này này cũng có nghĩa là “sau cùng, chung cuộc”) và,
được dùng như trạng từ (sau cuối, rốt cục)). Endlichkeit nghĩa là “tính hữu
hạn, tính hữu tận”. Cái hữu hạn có một ranh giới hay đường biên, tiếng Đức
có hai từ để chỉ điều này:
1. Grenze (ranh giới, đường biên, biên giới, cực điểm) phát sinh hai
động từ a) grenzen (an), cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều là “vạch đường
ranh”; b) begrenzen nghĩa là “vạch biên giới, giới hạn, vạch ranh giới”
chẳng hạn một bức tường giới hạn tầm nhìn của ta, một con người hẹp hòi
thì bị giới hạn (begrenzt), các khả thể là không giới hạn (unbegrenzt).
2. Schranke (hạn chế, và nhất là ở số nhiều Schranken (các hạn chế,
giới hạn) như trong cụm “giữ trong giới hạn”) cũng phát sinh ra các động
từ, nhất là beschränken (hạn chế, giới hạn, hạn định, ngăn không cho vượt
quá một giới hạn nhất định); Hegel dùng danh từ Beschränkung để chỉ “sự
giới hạn” hay hạn chế, chẳng hạn những xung lực của ta bị xã hội và nhà
nước giới hạn. Hàm nghĩa về “sự hạn định” trong Schranke thì nổi trội hơn
Grenze.
Trong triết học phi-Hegel, Grenze và Schranke thường được dùng
không phân biệt. Hoặc chúng được dùng để nói về, chẳng hạn, những ranh
giới hay giới hạn của nhận thức con người, nhưng Grenze được dùng
thường hơn. Với Kant, một Grenzbegriff (khái niệm ranh giới) là một khái
niệm đánh dấu đường ranh mà nếu vượt khỏi nó, thì các khái niệm trong
lĩnh vực thực tại (real concepts) sẽ không thể áp dụng được nữa. Khái niệm
về noumenon (tức cái khả niệm) hay về VẬT TỰ THÂN là một