thành (giống như) Thượng Đế. Ngụ ý rằng con người trở thành Thượng Đế
là mặc nhiên trong quan niệm rằng sự phát triển của tinh thần con người là
việc Thượng Đế đang tự ý thức chính mình, và Hegel bác bỏ quan niệm
rằng con người là hữu hạn một cách không thể tránh được, tương phản với
tính vô hạn của Thượng Đế. Vì thế Hegel cũng bác bỏ quan niệm Thượng
Đế là tuyệt đối bất khả tri.
Tư tưởng tôn giáo của Hegel làm nảy sinh vài câu hỏi. Một câu hỏi
gây chia rẽ các môn đồ của ông là: ông là một nhà hữu thần, phiếm thần
hay vô thần? Một số môn đồ, chẳng hạn Göschel (các nhà Hegel “cánh
hữu”), tin rằng ông là một tín hữu chính thống, trong khi số khác, chẳng
hạn Strauss (các nhà Hegel “cánh tả”), lại đưa ra quan niệm ngược lại. Câu
hỏi này sinh ra ba câu hỏi nhỏ: (1) Hệ thống triết học của Hegel, dù nó
phản chiếu chính xác (trong một hình thức khác) cấu trúc của Kitô giáo, có
phải là một sự phiên dịch chính xác cho Kitô giáo, đến mức ai chấp nhận hệ
thống này đều có thể được cho là một Kitô hữu ipso facto (“tự bản thân sự
việc”) không? (2) Liệu sự phiên dịch của Hegel có bóp méo nội dung của
Kitô giáo (chẳng hạn, trong việc đồng hóa con người với Thượng Đế) nhiều
đến mức không thể là một phiên bản của Kitô giáo? (3) Phải chăng những
lời tuyên xưng đức tin thường xuyên của Hegel dành cho Kitô giáo có đứng
cao hơn những sự không đầy đủ trong việc ông phiên dịch triết học cho nó
không? Sự phức hợp của những khái niệm như “niềm tin”, “sự hiện hữu”,
“Thượng Đế” và “Kitô giáo” không đưa ra những câu trả lời dứt khoát cho
ba câu hỏi này. Nhưng niềm tin của Hegel rằng các đối lập chuyển hóa vào
nhau khi chúng đạt đến giai đoạn cao nhất hàm ý rằng nếu ông có đạt đến
thuyết vô thần chăng nữa, thì đó là ông đạt đến bằng cách kéo căng thuyết
hữu thần đến những giới hạn lô-gíc của nó.
Nguyễn Văn Sướng dịch