nhà vô thần. Hegel ắt sẽ xem họ là người hữu thần luận, vốn tin một cách
sai lầm và trống rỗng rằng Thượng Đế là ý chí hay là ý chí-quyền lực).
Ngoài ra, ít nhất vẫn còn có hai sai lầm về thần học: (a) Người ta chỉ có thể
áp dụng vào Thượng Đế, hay vào vũ trụ một tư tưởng tương đối sơ khai,
chẳng hạn như TỒN TẠI hay bản chất, vốn chưa đạt đến các tư tưởng đã
được nâng cao và thích đáng hơn như Ý NIỆM tuyệt đối hay TINH THẦN
tuyệt đối. (b) Người ta có thể định đề hóa một MỐI QUAN HỆ không thích
đáng giữa Thượng Đế và thế giới. Khuyết điểm này có liên quan với sai
lầm thứ nhất, ở chỗ xem xét Thượng Đế dựa vào một tư tưởng nhất định,
hàm ý một loại hình liên hệ nhất định nào đó giữa Thượng Đế và thế giới.
Chẳng hạn, nếu Thượng Đế là một TỒN TẠI NHẤT ĐỊNH (Daseiendes),
vậy thì Ngài phải là gì đó khác với thế giới, và bị giới hạn bởi thế giới; còn
nếu Ngài là một bản chất, thì thế giới phải là một VẺ NGOÀI (Schein). Chỉ
khi Ngài được xem xét dựa vào ý niệm tuyệt đối hay tinh thần tuyệt đối thì
Ngài mới có quan hệ với thế giới theo một cách thức thỏa đáng.
Thoạt nhìn, có lẽ Thượng Đế liên hệ với thế giới theo ba cách thay thế
được cho nhau:
(1) Thượng Đế khác biệt với thế giới.
(2) Thượng Đế đồng nhất với thế giới, nhưng theo cách là: chỉ có thế
giới là thực sự hiện hữu, còn Thượng Đế thì không. Đây là phiên bản
thuyết phiếm thần mà Bayle gán cho Spinoza.
(3) Thượng Đế là đồng nhất với thế giới, nhưng theo nghĩa là chỉ
Thượng Đế là thực sự hiện hữu, còn thế giới thì không. Đây là phiên bản
thuyết phiếm thần mà Hegel gọi là Akosmismus (“thuyết vô vũ trụ”, tức
“phủ nhận thế giới”) và xem đây mới là quan niệm thực sự của Spinoza.
Dù Hegel thích (3) hơn (1) và (2), nhưng ông xem cả ba là không thích
đáng: (1) là không thích đáng vì nó làm Thượng Đế trở nên hữu hạn giống
như thế giới, và không mang lại sự giải thích tối hậu cho bất kỳ bên nào;