của sự vật nào đó, chúng ta thường hàm ý một sự tương phản với KHÁI
NIỆM của nó: khái niệm về con sư tử là một chuyện, sự hiện hữu của nó là
chuyện khác. Nhưng, Hegel lập luận, Thượng Đế không tách biệt với khái
niệm về Thượng Đế, trong khi một con sư tử thì tách biệt với khái niệm về
sư tử, vì Thượng Đế là VÔ HẠN chứ không phải hữu hạn.
3. Khó khăn khác trong việc gán sự hiện hữu cho Thượng Đế là: một
niềm tin chẳng hạn như giáo thuyết Luther mang lại một quan niệm phong
phú về Thượng Đế đồng thời cũng khẳng định sự hiện hữu của Ngài. (Ta có
thể chia sẻ quan niệm này về Ngài trong khi vẫn hoài nghi hay phủ nhận sự
hiện hữu của Ngài). Dù vậy, triết học có thể giả định một quan niệm như
thế thì cũng chẳng khác gì giả định sự hiện hữu của Ngài. Nó hỏi “Thượng
Đế là gì?” cũng như “Thượng Đế có hiện hữu không?”. Cùng lắm nó chỉ
giả định được mẫu số chung bé nhất của mọi biểu tượng về Thượng Đế,
rằng Ngài hay đó là (cái) TUYỆT ĐỐI, tức biểu tượng về Thượng Đế đã bị
tước bỏ thuyết nhân hình mang tính hình tượng và biến thành hình thức của
tư tưởng thuần túy. Do đó, ở Hegel, “Thượng Đế” thường ngang bằng với
“cái Tuyệt đối”, và ông áp dụng các luận cứ giống nhau cho cả hai khái
niệm. Những LUẬN CỨ CHỨNG MINH truyền thống về sự hiện hữu của
Thượng Đế được cho là lấp đầy quan niệm của chúng ta về Thượng Đế,
chứ không đơn giản là thiết lập sự hiện hữu của một sự vật nào đó mà
chúng ta đã có một khái niệm rõ ràng về nó rồi. (Kant, trong PPNLPĐ, xem
xét các chứng minh trong một ánh sáng tương tự).
Vì “Thượng Đế”, giống như “cái Tuyệt đối”, là sự biểu đạt toàn bộ
nhưng trống rỗng, và vì thế, câu trả lời cho câu hỏi “Thượng Đế là gì?”
(chẳng hạn “Thượng Đế là BẢN CHẤT”) chẳng gì hơn là sự sẵn sàng sử
dụng khái niệm vốn đã được đặt làm vị từ cho Thượng Đế (chẳng hạn, [như
ví dụ trên thì đó là] khái niệm về bản chất), nên hầu như một nhà vô thần
cũng có thể làm như thế: thuyết vô thần thực ra chỉ là việc hoàn toàn không
có năng lực suy tưởng. (Schopenhauer, người tin rằng thực tại tối hậu là Ý
CHÍ, và Nietzsche, người tin nó là ý chí-quyền lực, cả hai đều xem mình là