Thường nghiệm (cái) [Đức: Empirische (das); Anh: the empirical]
→ Xem: Kinh nghiệm và Thường nghiệm (cái) [Đức: Erfahrung und
das Empirische; Anh: experience and the empirical]
Tình cảm và Cảm giác [Đức: Gefühl und Empfindung; Anh:
feeling and sensation]
Trong tiếng Đức có hai chữ thông thường để chỉ “tình cảm”: (1)
Empfindung (“cảm giác, tình cảm”) sinh ra từ động từ empfinden (“cảm
giác, cảm nhận”) và mang theo gợi ý về “những gì ta tìm thấy (findet) trong
bản thân ta”. Một Empfindung liên quan đến tính nhạy cảm và nhận thức về
một tác nhân kích thích: nó được gắn với các giác quan, và cũng gắn với sự
đau đớn và kinh nghiệm thẩm mỹ. (2) Gefühl, sinh ra động từ fühlen (“cảm
thấy/nhận”), cũng có một dãy nghĩa rộng, vốn chỉ trùng phần nào với nghĩa
của chữ Empfindung. Ban đầu nó quy đến nghĩa xúc giác, nhưng đến thời
Hegel, nó có hầu hết các nghĩa của chữ “feeling” trong tiếng Anh.
Cách sử dụng của người Đức không đưa đến sự phân biệt ổn định,
được chấp nhận rộng rãi giữa Empfindung và Gefühl. Tuy nhiên, chúng vẫn
khác nhau về hai phương diện. Thứ nhất, Gefühl nhấn mạnh các tình cảm
chủ quan, trong khi Empfindung nhấn mạnh vào tính nhạy cảm đối với các
kích thích khách quan. Vì thế Kant đồng ý rằng Empfindung có thể biểu thị
cả hai: cảm giác về một phẩm chất khách quan, chẳng hạn màu xanh của
bãi cỏ, lẫn cảm giác chủ quan về sự vui thích sinh ra từ việc nhìn bãi cỏ,
nhưng ông dành nghĩa sau cho chữ Gefühl (PPNLPĐ, I §3). Thứ hai,
Gefühl đan quyện chặt chẽ hơn với toàn bộ tâm lý, trong khi Empfindung
được khu biệt nhiều hơn và thoáng qua hơn. Hegel cho rằng vì sự sử dụng
thông thường thừa nhận những cách diễn đạt “Gefühl về các QUYỀN” và
Selbstegefühl (“tự-cảm-nhận”, cụ thể là sự tự-nhận-thức mơ hồ, nhưng
cũng là “tự-trọng”), nhưng không thừa nhận “Empfindung về quyền” hay
Selbstempfindung, và vì nó kết nối Empfindung với Empfindsamkeit (“tính
nhạy cảm”), nên Empfindung nhấn mạnh tính thụ động hay sự tìm thấy,