linh hồn, “linh hồn HIỆN THỰC”, trong đó việc quen thuộc hoàn toàn của
cơ thể hình thành bước chuyển sang ý thức.
Các giai đoạn này của tình cảm chủ yếu gắn liền với đời sống trước đó
của chúng ta, nhưng chúng vẫn tồn tại dai dẳng, đôi khi một cách bệnh
hoạn, trong thời trưởng thành. Chẳng hạn, tình cảm-sự sống thống trị trong
những giấc mơ; nó nằm bên dưới những ràng buộc không hoàn toàn thuần
lý vào những nơi chốn và con người cụ thể; nó cấu thành những cấp độ sâu
hơn của tích cách và cá tính của chúng ta vốn giải thích cho những phản
ứng đặc thù của chúng ta với các sự cố bên ngoài, và, khi chúng ta phản tư
và suy luận, giải thích về các loại xem xét và lập luận mà ta có thể đạt tới
được; và nó trở nên thống trị trong nhiều trạng thái bệnh lý khác nhau
chẳng hạn chứng mộng du. Trong “Những nhận xét” của BKT III, và trong
các bài giảng thêm của mình, Hegel nỗ lực minh họa các trạng thái tình
cảm của trẻ ấu nhi và, bằng cách tương phản, soi sáng bản tính của TỰ-Ý-
THỨC thuần lý bằng cách khảo sát các trạng thái bệnh lý vốn làm phiền
não một số người trưởng thành, chẳng hạn các ảo giác ám ảnh. Ông tin rằng
bệnh điên (Verrücktheit, nghĩa đen: “tráo chỗ” hay “chuyển chỗ”) không
liên quan đến việc mất hoàn toàn lý tính, mà là MÂU THUẪN giữa (tự-) ý
thức thuần lý và một cấp độ nguyên thủy hơn của tâm lý vốn không thực sự
được thâu gồm hay VƯỢT BỎ trong TỰ-Ý-THỨC.
Tuy nhiên, tình cảm không chỉ xuất hiện trong các lốt vỏ đơn giản như
vậy. Giống như các giai đoạn thấp hơn của tinh thần, nó có thể mang lại
một HÌNH THỨC cho nội dung được rút ra từ các giai đoạn cao hơn.
Không giống như trẻ sơ sinh, người trưởng thành có thể cảm giác hay cảm
nhận rằng trộm cắp là sai hay rằng Thượng Đế hiện hữu. Do đó một số triết
gia, đáng chú ý như F. H. Jacobi, lập luận rằng các chân lý của tôn giáo và
đạo đức được biện biệt bằng tình cảm (hay NIỀM TIN) hơn là bằng tư
tưởng hay lý tính. Hegel phê phán học thuyết này dựa trên vài điểm sau: