(1) Tình cảm có thể có NỘI DUNG xấu hay sai, cũng như có thể tốt
hay đúng. Ta có thể cảm thấy trộm cắp là đúng. Do đó một tình cảm xét
như một tình cảm không định giá nội dung của tình cảm. (Ông đưa ra cùng
lời phê phán với những viện dẫn đến lương tâm).
(2) Trong những trường hợp này, nội dung của tình cảm được cung
cấp bởi tư tưởng và BIỂU TƯỢNG hơn là bản thân tình cảm. Do đó nó
được trung giới, hơn là đơn giản và trực tiếp, và do đó tư duy là cách thức
thích hợp để phát triển và định giá nội dung như vậy. (Nhà toán học nhiều
kinh nghiệm chỉ cảm thấy rằng 13 x 27 = 221, nhưng chân lý này kỳ cùng
không được rút ra, hay đặt cơ sở trên tình cảm này).
(3) Viện dẫn đến tình cảm có nguy cơ làm loãng nội dung của học
thuyết tôn giáo thành một sự trừu tượng, mẫu số chung thấp nhất của tất cả
các niềm tin tôn giáo. Khi công kích đồng nghiệp của mình ở Berlin là
Schleiermacher, Hegel nói rằng loài vật hẳn cũng có một tôn giáo nếu tôn
giáo cốt ở một tình cảm về sự lệ thuộc.
Một số triết gia, điển hình là Pascal, cố đặt cơ sở cho tôn giáo và đạo
đức (và thậm chí cả chân lý chẳng hạn như tính ba chiều và vô tận của
không gian) trên trái tim (Herz), theo truyền thống, được xem là trú sở của
tình cảm. Trong HTHTT, (“Quy luật của trái tim và Sự điên rồ của việc tự
phụ”) Hegel lập luận rằng quy luật của trái tim (ordre du coeur của Pascal)
dẫn đến thuyết duy chủ quan. Nếu được phổ quát hóa để trở thành “quy luật
của mọi trái tim”, nó thoái hóa thành một quy luật cho phép mọi người tìm
cách thực hiện tính cá nhân vị kỷ của mình. Điều này xung đột ngay với cả
lý tưởng ban đầu của quy luật của trái tim lẫn với trật tự xã hội ổn định.
Trần Thị Ngân Hà dịch
Tinh thần [Đức: Geist; Anh: spirit]