(7) Tinh thần, trí tuệ, vừa nói chung vừa nói riêng. Theo nghĩa này, từ
“mind” trong tiếng Anh là thích hợp hơn từ “spirit”, nhưng tính từ geistig
trong tiếng Đức thường đòi hỏi “spiritual” (“tinh thần”) hơn là “mental”
(“tâm trí”) trong tiếng Anh.
(8) Thái độ tinh thần, tinh thần, thiên tài, tâm tính của thời đại (der
Geist der Zeit, Zeitgeist) của một DÂN TỘC (Volksgeist), của Đạo Kitô
(der Geist des Christentums), v.v.
(9) Tinh thần của sự trả thù, của sự mâu thuẫn, v.v.
(10) Ý nghĩa bên trong hay “tinh thần” của, chẳng hạn, pháp luật,
tương phản với ngôn từ của nó.
Geist không phải là một khái niệm trung tâm đối với Kant, nhưng, phù
hợp với nghĩa 4 và 7 ở trên, Kant xem nó là nguyên tắc sống động hay có
sinh khí của tâm thức/tinh thần (Gemüt) (Nhân học, §57, PPNLPĐ, §49).
Nó cũng chính là cái mang lại sự sống cho một tác phẩm NGHỆ THUẬT
hay một cuộc đàm luận, và theo nghĩa đó, nó phân biệt với tài dí dỏm hay
esprit. Trong MỸ HỌC, nó là năng lực trình diễn các Ý NIỆM thẩm mỹ, để
nắm bắt “trò chơi thoáng qua của TRÍ TƯỞNG TƯỢNG” và thông báo nó
cho những người khác (PPNLPĐ, §49).
Hegel dùng từ Geist theo những cách thức rất đa dạng, và trong các
tác phẩm thời trưởng thành của mình, Hegel nỗ lực hệ thống hóa các nghĩa
của nó:
(1) Theo nghĩa rộng, Geist biểu thị tinh thần con người và các sản
phẩm của nó, tương phản với TỰ NHIÊN và với ý niệm lô-gíc. Do đó, toàn
bộ tập BKT III là triết học về Geist [Tinh thần].
(2) Theo nghĩa hẹp hơn, Geist là “tinh thần CHỦ QUAN”, bao quát tất
cả đời sống tâm lý của cá nhân, từ “linh hồn tự nhiên” đến TƯ DUY và Ý
CHÍ (BKT III, §§387-482).