Về mặt từ nguyên học, Geist được liên hệ đến “hồn ma”, nhưng dãy
nghĩa của nó gần như tương đương với nghĩa của từ “tinh thần”. Ban đầu,
nó có nghĩa là “cảm xúc, sự kích động”, nhưng nó đã phát triển thành
những nghĩa: “tinh thần, LINH HỒN, TÂM TRÍ; hữu thể siêu nhiên, hồn
ma”. Trong thời đại bắt đầu du nhập Kitô giáo, nó bị ảnh hưởng bởi từ
spiritus của tiếng La-tinh và từ pneuma của tiếng Hy Lạp (“không khí, hơi
thở, tinh thần”) và cả từ nous (“tâm trí, trí năng”). Sau đó, nó chịu ảnh
hưởng của từ esprit trong tiếng Pháp và có các nghĩa bóng “sự sống động”,
“tài dí dỏm” và “thiên tài tinh tế”, thêm vào nghĩa ban đầu của người Đức
về hơi thở và sự uyên thâm.
Do đó Geist có một dãy nghĩa rộng:
(1) Chúa Thánh thần, ngôi thứ ba của Tam vị nhất thể (der heilige
Geist, tương đương với spiritus sanctus).
(2) Phương diện tinh thần, phi vật chất của con người, tương phản với,
chẳng hạn, xác thịt hay cơ thể.
(3) Một linh hồn, yêu ma hay hồn ma.
(4) Sự sôi nổi, sự sinh động, sống động.
(5) Ở dạng số nhiều, “các tinh thần”, như trong “các tinh thần cao quý,
lấy lại tinh thần ai đó”, v.v.
(6) Trong hóa học, “tinh chất, bản chất”, như trong, chẳng hạn,
Kampfergeist (“tính chất của long não”), Weingeist (“tính chất của cồn”);
do đó Geist là “chất cồn”. Điều này phần nào giải thích các gợi ý đặc biệt
của Hegel rằng CHÂN LÝ đòi hỏi sự say sưa: “Cái đúng thật là đám rước
cuồng nhiệt Thần rượu Bacchus, nơi đó không thành viên nào là không say
khướt” (HTHTT, Lời tựa).