sáng sủa của nó. Nhưng Parmenides và Plato, v.v., dứt khoát tách biệt tư
duy (to noein hay noēsis) với các quan năng hay hoạt động khác, đặc biệt là
“TƯ KIẾN” (doxa) và tri giác. Chống lại trường phái Leibniz, Kant dứt
khoát phân biệt tư tưởng với TRỰC QUAN (Anschauung), và khẳng định
rằng NHẬN THỨC đòi hỏi cả tư duy lẫn trực quan về ĐỐI TƯỢNG. Do
đó trong khi ta có thể tư duy về những VẬT TỰ THÂN, nhưng không thể
biết về chúng vì chúng không mang lại trực quan cho KHÁI NIỆM của ta.
Kant (giống như Krug) cho rằng ta có thể suy tưởng bất cứ điều gì ta thích,
miễn là ta không tự mâu thuẫn với chính ta. Do đó LUẬT [loại trừ] MÂU
THUẪN có một vị trí đặc biệt trong số các Denkgesetze (“các quy luật của
tư duy”): một tư tưởng mâu thuẫn thì tuyệt nhiên không phải là tư tưởng.
Hegel bác bỏ học thuyết này, và bác bỏ các quy luật của tư duy nói chung,
vì ông cho rằng tư tưởng, giống như LÝ TÍNH, trong hoạt động của mình,
không thể chấp nhận những GIỚI HẠN áp đặt từ bên ngoài hay cho chính
mình, khiến nó không thể vượt qua hay tư duy vượt ra khỏi những giới hạn
đó. Việc phát hiện và vượt qua các mâu thuẫn trong tư duy của ta giữ một
vai trò thiết yếu trong sự tiến bộ của tư tưởng.
Theo quan điểm của Kant, khi các khái niệm hay phạm trù không
được làm đầy bằng các trực quan, chúng đơn thuần là Gedankenformen
(“các hình thức của tư tưởng”). Nhưng trong những người kế tục ông (ví
dụ, Schleiermacher, Reinhold), thuật ngữ phổ biến hơn là Denkform (“hình
thức-tư tưởng, hình thức của tư duy”), tương phản với Denkstoff (“chất liệu
của tư tưởng, tư duy”). Các hình thức-tư tưởng thường tương đương với
các hình thức của Lô-gíc học hình thức: ví dụ hình thức-tư tưởng: “Mọi S
đều là P”, nếu được bổ sung thêm bằng chất liệu-tư tưởng thích hợp, trở
thành tư tưởng “Mọi người đều phải chết”. Hegel xem chúng là tương
đương với chủ đề của Lô-gíc học, bao hàm cả các phạm trù của Kant lẫn
các hình thức của Lô-gíc hình thức: ví dụ hình thức-tư tưởng về tính nhân
quả được bao hàm trong tư tưởng CỤ THỂ về việc một hòn đá làm vỡ kính.
Hegel thường sử dụng từ Denkenbestimmung (“QUY ĐỊNH-tư duy”), và
đôi khi sử dụng Gedankenbestimmung (“quy định tư tưởng”), như một từ