3. Tư duy không đơn giản tương phản với các đối tượng của nó. Thứ
nhất, nguyên tắc rằng tư duy bao trùm cái khác với tư tưởng cũng áp dụng
ở đây. Nếu một vật là cá biệt (tương phản với tính phổ biến của các tư
tưởng) hay thậm chí hoàn toàn xa lạ với tư tưởng hoặc không thể suy tưởng
được, thì vẫn chính nhờ tư duy mà tôi biết điều này, và “cái cá biệt”, “xa lạ
với tư tưởng” và “không thể suy tưởng được” đều diễn đạt những tư tưởng,
chứ không phải, chẳng hạn, các tri giác.
Thứ hai, chính tư duy nhận thức rõ BẢN CHẤT của sự vật, chứ không
phải tri giác, và chính các tư tưởng tạo nên bản chất, chứ không phải các
đặc điểm bên ngoài có thể tri giác của chúng mà ta bắt gặp lúc đầu. Do đó
điều này vừa đúng ở cấp độ của các khoa học tự nhiên (ví dụ. điện, được
phát hiện bởi Nachdenken, là bản chất của sét) vừa đúng ở cấp độ của triết
học (ví dụ. khái niệm là bản chất của cái Tôi). Vì thế, các tư tưởng vừa là
KHÁCH QUAN vừa là CHỦ QUAN.
Trong chừng mực đó, quan niệm của Hegel về mối quan hệ của tư
tưởng với các đối tượng của nó là tương tự với quan niệm của Kant. Cũng
như đối với Kant, các tư tưởng mà chúng ta áp dụng vào trực quan cấu
thành nên bản chất của những vật được rút ra. Nhưng Hegel khác với Kant
ở chỗ ông bác bỏ quan niệm rằng các tư tưởng là do ta áp đặt lên các trực
quan vốn vô-tư-tưởng. Các tư tưởng là nằm sẵn trong sự vật một cách độc
lập với tư duy của ta về chúng. Chỉ tư tưởng của ta về chòm Đại hùng tinh
khiến nó trở thành một nhất thể, nhưng ví dụ. một con ngựa là một nhất thể
tự quy định; chứ nó không chỉ được hợp nhất chỉ bởi tư tưởng của ta về nó.
(Học thuyết dường như vô hại này giữ vai trò trong thuyết DUY TÂM của
Hegel vì ông tin rằng cái TUYỆT ĐỐI là TINH THẦN).
Hegel cũng khác với Kant khi nhấn mạnh rằng ta có thể suy tưởng
không chỉ về những gì khác với tư tưởng, mà cả về bản thân tư duy. Đặc
biệt, (trong Lô-gíc học), ta có thể suy tưởng về những (hình thái) tư tưởng
dựa vào những (hình thái) tư tưởng. Tư duy thuần túy như thế không cần có