Tính vô hạn đúng thật chủ yếu được áp dụng cho vũ trụ xét như toàn
bộ: Thượng Đế không thể tách biệt với thế giới, vì nếu thế hẳn sẽ có hai
thực thể hữu hạn, vốn không thể tự-duy-trì hay tự-giải-thích được. Cũng
như vậy, thế giới không thể mãi mãi đi tới và đi lui được: nó phải có một
hình thức vòng tròn tự túc. Một lần nữa, tư tưởng về thế giới không thể tách
biệt với thế giới, vì nếu không thì tư tưởng và tồn tại hẳn sẽ giới hạn lẫn
nhau và là hai thực thể hữu hạn, không tự chống đỡ cho chính mình được.
Do đó, tư tưởng là đồng nhất (nhưng cũng khác biệt) với thế giới, và nó
cũng mang tính vòng tròn. KHÁI NIỆM do đó cũng vô hạn như thế giới.
Tính vô hạn/vô tận đúng thật giải thích cho một số đặc điểm của hệ thống
Hegel: chẳng hạn, tại sao Thượng Đế phải là cấu trúc lô-gíc của thế giới, và
tại sao các hình thức tư tưởng, chẳng hạn suy luận, phải được thể hiện ở
ngay trong thế giới.
Hegel cố gắng khôi phục, trên một bình diện cao hơn, thế giới hữu hạn
tự-khép-kín của Aristoteles, tương phản với thế giới mở ngỏ của Khai minh
và của khoa học Newton, vốn nặng trĩu với những đối lập giữa tự ngã,
Thượng Đế, và thế giới, và vô số tính vô hạn không thể tiêu hóa được.
Nhưng những tính vô hạn ấy khó mà loại bỏ: Hegel ngụ ý rằng KHÔNG
GIAN và THỜI GIAN là các vô hạn (tồi). Ông không gợi ý, như lẽ ra ông
phải làm, rằng không gian là có tính vòng tròn, khiến cho sự vận động theo
một đường thẳng rốt cục sẽ quay trở lại điểm xuất phát. Khác với
Nietzsche, ông cũng không hồi sinh ý niệm của Pythagoras rằng thời gian
là có tính vòng tròn, chứa đựng sự quy hồi vĩnh cửu của những sự kiện
hoàn toàn giống nhau, hay thậm chí giống nhau cả về số lượng. Quy hồi
vĩnh cửu ắt sẽ xung đột với niềm tin của Hegel rằng LỊCH SỬ hướng đến
một mục tiêu, nhưng việc ông làm ngơ sự quy hồi ấy sẽ dẫn ông đến chỗ
dao động nước đôi giữa quan niệm rằng lịch sử đã và đang đi đến một kết
thúc với quan niệm rằng nó đang đi đến cái vô tận (tồi), cho dù ta không
thể biết nó sẽ tiếp tục như thế nào và phải tự giới hạn mình vào tính vô tận
đúng thật của hiện tại mà thôi.