Phương pháp kỹ thuật để xác định xem các hình vẽ có được tô
bóng tối trên tranh đúng như trong tự nhiên hay không, đó là vạch trên
một mặt phẳng
bố cục bức tranh của mình, xếp đặt các thực thể vào
đấy, hoặc theo đúng khoảng cách như các thực thể trong tranh, hoặc
theo các khoảng cách tương ứng, và so sánh những ánh sáng của các
thực thể trên mặt phẳng với những ánh sáng của các thực thể trên
tranh. Chúng hoặc phải như nhau ở cả hai bên, hoặc trong những
tương quan như nhau.
Cảnh trí của một họa sĩ có thể muốn rộng bao nhiêu cũng được;
tuy nhiên, họa sĩ không được bố trí các thực thể khắp mọi nơi; có
những chốn xa xăm mà hình dạng các thực thể ấy không nhận rõ được
nữa, ném chúng vào đấy thì thật là nực cười, bởi vì người ta đưa một
thực thể lên tranh chỉ là để cho thiên hạ nhận thấy và phân biệt được
đúng nó. Vì vậy, khi khoảng cách đến một mức độ mà ở khoảng cách
ấy không còn phân biệt được những tính chất xác định các thực thể và
người ta lầm tưởng, chẳng hạn, con sói là con chó, hoặc con chó là
con sói, thì chẳng nên đặt thêm gì vào đấy. Có lẽ đấy là một trường
hợp không nên vẽ tự nhiên nữa.
Không phải tất cả những gì có khả năng xảy ra đều đưa vào được
trong hội họa ưu tú, cũng như không đưa vào được trong văn học ưu
tú; bởi vì có những sự việc người ta không thể phủ nhận là chúng có
khả năng cùng xảy ra, nhưng đem phối hợp chúng với nhau lại khiến
người ta thấy rằng có lẽ chúng chưa từng bao giờ xảy ra, và có lẽ
chúng sẽ không bao giờ xảy ra được. Những cái có khả năng xảy ra
mà người ta có thể sử dụng, đó là những cái có khả năng xảy ra giống
như thật, và những cái có khả năng xảy ra giống như thật, đó là những
cái có khả năng xảy ra mà người ta dám cuộc rằng chúng đã chuyển từ
khả năng thành hiện thực trong một thời gian nào đấy giới hạn bởi thời
gian của sự việc. Ví dụ: có thể có chuyện một người đàn bà đột ngột
lên cơn đau đẻ giữa quãng đồng không mông quạnh