nàng thấy ở đấy một chiếc máng cỏ; có thể là chiếc máng cỏ ấy tựa
vào những tàn tích của một tòa lâu đài cổ; nhưng khả năng gặp tòa lâu
đài cổ ấy so với việc gặp nó thật sự, thì cũng giống như toàn bộ
khoảng không gian ở đấy có thể có những máng cỏ so với cái phần của
khoảng không gian ấy là nơi dựng lên các tòa lâu đài cổ. Vả chăng, tỉ
số ấy vô cùng nhỏ bé, nên chẳng đáng lưu tâm đến chút nào; và hoàn
cảnh ấy là phi lý, trừ phi nó được lịch sử cung cấp, cũng như những
hoàn cảnh khác của hành động. Sự thể không như vậy đối với những
kẻ mục đồng, những con chó, các xóm thôn, các đàn súc vật, những
khách qua đường, những cây cối, suối lạch, núi non và tất cả những
thực thể khác rải rác trong các vùng thôn quê và họp thành các vùng
thôn quê. Tại sao người ta có thể đưa chúng vào bức họa nói trên, và
vào cánh đồng trong tranh? Bởi vì chúng thường có mặt nhiều hơn là
không có mặt trong cái cảnh thiên nhiên mà người ta dự định mô
phỏng, ở kề bên cạnh hoặc gặp một tòa lâu đài cổ thì cũng nực cười
như có một vị hoàng đế đi ngang qua lúc sự việc đang diễn ra. Khả
năng hoàng đế đi qua có thể xảy ra, nhưng là một khả năng rất hiếm
nên không sử dụng được. Khả năng một khách đi đường bình thường
đi qua cũng có thể xảy ra, nhưng là một khả năng hết sức phổ biến đến
nỗi việc sử dụng là hoàn toàn tự nhiên. Việc hoàng đế đi qua hoặc sự
hiện hữu của cây cột trụ cần phải do lịch sử cung cấp.
Hai loại hội họa: một loại bằng cách cố hết sức kề mắt gần tranh
nhưng vẫn phải để mắt nhìn được rõ ràng, thể hiện các thực thể trong
mọi chi tiết mà mắt nhận thấy được ở khoảng cách ấy, và thể hiện các
chi tiết đó cũng tỉ mỉ như đối với những hình dạng chủ yếu; sao cho
người xem càng lùi xa dần tranh thì càng mất dần đi những chi tiết ấy,
cuối cùng đến một khoảng cách mà tất cả đều biến mất; sao cho khi
tiến gần lại từ cái khoảng cách mà tất cả đều nhòa đi kia, người xem
bắt đầu dần dần phân biệt được các hình dạng, và lần lượt khôi phục
được các chi tiết, cho đến lúc mắt đặt lại vào cái khoảng cách ban đầu