cửa sẽ trở nên tốt hơn, và điêu khắc với hội họa sẽ theo gót các sự tiến
bộ ấy.
Bây giờ tôi xét những ý nghĩ đó qua thực tiễn.
Ông hãy cho tôi biết một dân tộc nào có tượng có tranh, có các
họa sĩ và những nhà điêu khắc, mà cung điện chẳng có, đền đài cũng
không, hoặc có đền đài nhưng tính chất của tín ngưỡng không cho
phép trong đền có tranh có tượng.
Nhưng nếu như kiến trúc đã sản sinh ra hội họa và điêu khắc, thì
ngược lại chính là nhờ hai nghệ thuật ấy mà kiến trúc được hoàn thiện,
và tôi khuyên ông nên nghi ngờ tài năng của kiến trúc sư nào không
phải là người vẽ giỏi. Người đó luyện con mắt cho mình ở đâu? người
đó lấy đâu ra nhận thức nhạy bén về các tỷ lệ cân đối? người đó rút từ
đâu ra những ý niệm về cái vĩ đại, cái giản dị, cái thanh nhã, cái nặng
nề, cái nhẹ nhõm, cái thon cao, cái trang trọng, cái lịch sự, cái uy
nghi? Michel-Ange là người vẽ giỏi khi ông thai nghén đồ án mặt
chính và vòm mái giáo đường Saint-Pierre ở La Mã, và ông Perrault
của chúng ta vẽ rất tài tình khi ông tưởng tượng ra hàng cột ở Louvre.
Tôi sẽ kết thúc chương nói về kiến trúc ở đây. Mọi nghệ thuật đều
quy về ba từ này: chắc chắn hoặc an toàn, tương xứng và cân đối.
Từ đó người ta phải kết luận rằng hệ thống đo đạc chi li theo kiểu
Vitruve dường như được phát kiến ra chỉ là để dẫn đến đơn điệu và
bóp nghẹt thiên tài.
Tuy nhiên, tôi sẽ không kết thúc đoạn này mà không nêu lên với
ông một vấn đề nhỏ để giải quyết.
Người ta nói về giáo đường Saint-Pierre ở La Mã rằng các sự cân
đối được tính toán hết sức chính xác đến nỗi mới thoạt nhìn không
thấy được là tòa nhà to rộng; tưởng chừng người ta có thể nói về nó;
Magnus esse, sentiri parvus
Liền đó người ta lý luận như thế này. Các sự cân đối tuyệt diệu ấy
được tích sự gì? Làm cho một vật lớn lao trở thành bé nhỏ và tầm