chữa cái ảo giác bất lợi khi mới thoáng nhìn. Lúc đến gần pho tượng
bỗng trở nên khổng lồ kia, chắc chắn người ta ngạc nhiên: người ta
nhận ra tòa nhà to lớn hơn mình tưởng lúc đầu rất nhiều; nhưng khi
quay lưng lại pho tượng, uy lực tổng quát của tất cả những bộ phận
khác của tòa nhà được khôi phục, và khiến cho tòa nhà trở lại vẻ bình
dị, tầm thường, tuy thực ra nó to lớn; đến nỗi, một mặt, từng chi tiết có
vẻ to lớn, trong khi toàn khối vẫn bé nhỏ và tầm thường; còn ngược
lại, ở kiểu không cân đối, từng chi tiết có vẻ nhỏ bé, trong khi toàn
khối vẫn phi thường, đồ sộ và to lớn.
Cái tài khuếch đại các thực thể bằng ma lực của nghệ thuật, và
cái tài tước đoạt của chúng vẻ đồ sộ bằng việc hiểu biết những sự cân
đối chắc chắn là hai tài năng lớn; nhưng hai cái đó, cái nào lớn hơn?
nhà kiến trúc cần ngả về bên nào? ông ta cần xây giáo đường Saint-
Pierre ở La Mã ra sao? Phải chăng nên kéo tòa nhà ấy về với hiệu quả
bình dị và tầm thường, bằng cách tuân thủ gắt gao những sự cân đối
hơn là đem lại cho nó một vẻ khác thường bằng sự bố trí ít nghiêm
ngặt hơn và ít đều đặn hơn?
Và đừng có ai vội vàng lựa chọn; bởi vì rốt cuộc, giáo đường
Saint-Pierre ở La Mã, với những tỷ lệ cân đối được tán dương hết lời
đến thế, sẽ chẳng bao giờ nhận được, hoặc chỉ mãi sau mới nhận được
cái điều mà chắc hẳn người ta đã ban cho nó liên miên và đột ngột
trong một kiểu thức khác. Một sự hài hòa làm cản trở hiệu quả chung
là thế nào? Một thiếu sót làm tôn cái toàn thể lên là thế nào?
Đấy là cuộc tranh cãi giữa kiến trúc gô-tích và kiến trúc Hy Lạp
hoặc La Mã được nêu lên với tất cả sự gay gắt của nó.
Nhưng hội họa không đặt ra cũng vấn đề ấy để giải quyết hay
sao? Ai là họa sĩ vĩ đại, Raphaël mà ông sắp sang tìm bên Italia, và có
gặp ông cũng bỏ đi không nhận ra, nếu người ta không kéo tay áo ông
và bảo: “Ông ấy kia kìa!”, hay Rembrandt, Titiens, Rubens, Van Dyck
hoặc một họa sĩ tô màu vĩ đại nào khác từ đằng xa đã gọi ông, và lôi