rất tự nhiên và rất thật, đến mức nếu được một họa sĩ thể hiện trung
thành, nó sẽ làm tôi hài lòng khi xem tranh, thì đó là một cảnh.
DORVAL. - Gần gần như thế.
TÔI. - Tôi hầu như dám cuộc rằng trong lớp kịch thứ tư của hồi
thứ hai, chẳng có một lời nào là chân thực. Lớp kịch ấy đã làm tôi bực
mình ở phòng khách, và tôi lại thích thú vô cùng khi đọc nó. Cảnh
đẹp, bởi đúng là một cảnh đẹp, tôi thấy hình như thế, khi anh chàng
Clairville bất hạnh, nhào vào lòng bạn mình, như vào nơi nương náu
duy nhất còn lại với anh ta...
DORVAL. - Ông nghĩ đến nỗi khổ tâm của anh ấy là đúng,
nhưng ông lại quên mất nỗi khổ tâm của tôi. Lúc ấy sao mà xót xa cho
tôi đến thế!
TÔI. - Tôi biết điều đó, tôi biết điều đó. Tôi nhớ rằng khi anh ta
thốt ra những lời than vãn và đau đớn, thì anh tuôn những giọt nước
mắt lên anh ta. Những tình tiết như thế quên làm sao được.
DORVAL. - Ông phải đồng ý rằng cảnh ấy không thể diễn ra trên
sân khấu được; rằng hai người bạn chắc đã không dám nhìn thẳng vào
mặt nhau, quay lưng lại khán giả, gộp vào nhau, tách nhau ra, lại sà
vào nhau; và rằng mọi hành động của họ chắc đã phải hết sức đắn do,
hết sức cân nhắc, hết sức kiểu cách và hết sức lạnh lùng.
TÔI. - Tôi tin như vậy.
DORVAL. - Chẳng lẽ người ta lại không cảm thấy rằng hiệu quả
của nỗi bất hạnh là làm cho người ta xích lại gần nhau; lại không cảm
thấy rằng thật là nực cười, nhất là trong những lúc hỗn độn, khi các
dục vọng đẩy lên đến bùng phát, và khi hành động kịch sôi sục nhất,
mà ai nấy lại đứng thành vòng tròn, riêng rẽ, người nọ cách người kia
một quãng, và trong một trật tự đối xứng?
Hành động kịch rõ ràng là cần phải đang diễn tiến bởi lẽ người ta
hầu như không thấy trên sân khấu một tình huống nào có thể đưa vào
hội họa thành một bố cục tàm tạm được. Sao vậy! Sự chân thật ở đây
không cốt yếu bằng ở trong tranh hay sao? Chẳng lẽ có một quy tắc là