điệu, nó luôn làm cho nghệ sĩ phiền lòng, tuy thực ra không gây bực
bội như có kẻ khen người chê.
Giữa các tương quan, người ta có thể phân biệt vô số loại: có
những loại mạnh lên, yếu đi và tiết chế lẫn nhau. Khác nhau biết bao
khi người ta nghĩ về vẻ đẹp của một đối tượng nếu người ta nắm được
tất cả những tương quan ấy, hoặc nếu người ta chỉ nắm được một
phần! Đấy là căn nguyên thứ hai khiến các đánh giá hết sức khác
nhau.
Có những tương quan không xác định và những tương quan xác
định: chúng ta sẵn sàng chấp nhận loại tương quan trước và gọi là đẹp
khi đấy không phải là đối tượng chỉ duy có khoa học hoặc nghệ thuật
mới trực tiếp xác định những tương quan. Nhưng nếu sự xác định ấy là
đối tượng trực tiếp và duy nhất của một khoa học hoặc một nghệ thuật,
chúng ta đòi hỏi không chỉ những tương quan, mà còn giá trị của
chúng nữa; đấy là lý do vì sao chúng ta nói một định lý đẹp (beau
théorème) mà chúng ta không nói một tiên đề đẹp (bel axiome); mặc
dù ta không thể phủ nhận rằng tiên đề mà thể hiện một tương quan thì
cũng có vẻ đẹp thật sự của nó. Trong toán học, khi tôi nói rằng cái
toàn thể lớn hơn một phần của nó, thì chắc chắn là tôi đã phát biểu vô
số những mệnh đề riêng biệt về một đại lượng được phân chia: nhưng
tôi không hề xác định chính xác cái toàn thể thì lớn hơn mỗi phần của
nó bao nhiêu; cũng đại khái như tôi nói: “Hình trụ thì lớn hơn hình cầu
nội tiếp, và hình cầu thì lớn hơn hình nón nội tiếp”. Nhưng đối tượng
riêng biệt và trực tiếp của toán học là xác định mỗi vật thể ấy lớn hơn
hoặc nhỏ hơn vật thể kia bao nhiêu; và ai sẽ chứng minh rằng chúng
luôn luôn giữ tỷ lệ như các số 3, 2, 1, thì người đó sẽ nêu lên được một
định lý tuyệt vời. Vẻ đẹp luôn luôn là ở các tương quan, trong trường
hợp này nó sẽ tùy thuộc vào số những tương quan nhiều hay ít và việc
nhận ra được chúng khó hay dễ; và định lý phát biểu rằng mọi đường
thẳng từ đỉnh một tam giác cân đến chính giữa của đáy, chia góc ở