và thiết lập ở đó những tương quan thất thường và ngẫu nhiên. Đấy là
căn nguyên thứ tư khiến cho các đánh giá hết sức khác nhau.
Người ta quy tất cả về nghệ thuật của mình và về những hiểu biết
của mình: chúng ta ai cũng đều ít nhiều giống như gã phê bình tranh
Apelle
và tuy chúng ta chỉ biết đến giầy, chúng ta vẫn đánh giá cả
chân cẳng; hoặc tuy chỉ biết chân cẳng, chúng ta vẫn đánh giá xuống
cả giầy: nhưng chúng ta không chỉ đem cái táo bạo hoặc phô trương tỉ
mẩn ấy vào việc đánh giá các tác phẩm nghệ thuật; các sản phẩm của
tự nhiên đâu có được miễn trừ. Giữa các bông hoa tuy-líp trong vườn,
bông hoa đẹp nhất đối với một kẻ hiếu kỳ sẽ là bông hoa anh ta nhận
thấy có sự bất thường về độ lớn, về màu sắc, về cánh hoa, về giống
hoa: nhưng họa sĩ quan tâm đến các hiệu quả của ánh sáng, sắc thái,
sáng tối, hình dáng liên quan đến nghệ thuật của mình, sẽ phớt lờ tất
cả những đặc tính mà người trồng hoa ngưỡng mộ, và sẽ lấy làm mẫu
ngay bông hoa mà kẻ hiếu kỳ coi khinh. Sự khác nhau về tài năng và
về hiểu biết là căn nguyên thứ năm khiến cho các đánh giá hết sức
khác nhau.
Tâm hồn có năng lực liên kết lại với nhau các ý niệm thu nhận
được riêng rẽ, so sánh các đối tượng nhờ những ý niệm đã có về
chúng, quan sát những tương quan giữa các ý niệm với nhau, tùy thích
mở rộng hoặc thu hẹp các ý niệm của mình, xem xét riêng rẽ từng ý
niệm khi các ý niệm đơn giản ấy có thể đã tập hợp lại với nhau trong
cảm giác mà tâm hồn thu nhận được. Cái thao tác sau cùng này của
tâm hồn gọi là sự trừu tượng hóa (abstraction). Các ý niệm về những
thể chất (substances corporelles) thì gồm nhiều ý niệm đơn giản khác
nhau, chúng cùng tác động khi các thể chất đến với những giác quan
của chúng ta; chỉ bằng cách định rõ một cách chi tiết các ý niệm cảm
thấy được ấy, chúng ta mới có thể xác định các thể chất. Các loại xác
định này có thể khơi gợi một ý niệm khá rõ về một thể chất ở một
người chưa từng bao giờ trực tiếp nhận thấy thể chất ấy, miễn rằng