Mùa thu đó, Thôi Thị đổ bệnh nặng, tổn thương nguyên khí, đến nay
vẫn chưa hồi phục.
A Vụ thầm hiểu rằng Thôi Thị đổ bệnh vì Vinh tam gia và Vương di
nương ăn nằm với nhau, chuyện này có lẽ không chỉ xảy ra một lần. Với tài
cán và năng lực của Vinh tam gia, A Vụ thấy rằng ông sẽ ngày càng tiến xa,
lúc đó đàn bà ở bên ông sẽ càng nhiều, quan trên thưởng, quan dưới biếu
tặng, mấy người muốn đút lót lo việc cũng biếu tặng, mỗi lần như thế mà
Thôi Thị đều bị tổn thương nguyên khí thì có lẽ Đại La thần tiên cũng không
thể cứu sống nổi. Huống hồ A Vụ thấy Vương di nương là người thông
minh. Cô ta đối xử cung kính, ngoan ngoãn nghe lời, chưa bao giờ cậy được
sủng ái mà kiêu ngạo, ngày nào cũng đến thỉnh an từ sớm. Thôi Thị đổ bệnh,
cô ta còn tận tụy hầu hạ bưng nước pha trà, điều lạ nhất là không nhân cơ
hội đó mà tiếp cận với Vinh tam gia.
Vinh tam gia cũng luôn túc trực ở phòng Thôi Thị cho đến khi bà khỏe
trở lại. Thực ra, Vinh tam gia không phải là người nhẫn tâm, cũng không
phải hạng nam nhân có mới nới cũ, vô tình vô nghĩa. Hằng tháng, chỉ có
mấy ngày Thôi Thị bất tiện trong người, ông mới đến phòng Vương Thị.
Ông vẫn yêu thương A Vụ, Vinh Giới, Vinh Ngân như trước.
A Vụ cho rằng Thôi Thị đang ở trong hũ mật mà không biết mật ngọt,
nhưng nàng chỉ sợ mình không kiềm chế nổi buột miệng trách Thôi Thị, vì
trông sắc mặt bà đã tái nhợt đi. Vì thiếu đi phần tươi tắn, rạng rỡ, lại thêm
phần nhợt nhạt hốc hác nên dù vẫn mỉm cười dịu dàng, cố gắng đối xử bình
thường với tam gia, nhưng A Vụ vẫn nhận ra vẻ u ám trên nét mặt Thôi Thị.
Vẻ u ám nặng nề đó khiến A Vụ lo lắng. A Vụ nhẹ nhàng vén rèm bước vào
phòng, đưa ngón trỏ lên miệng ra hiệu cho tiểu nha hoàn đừng lên tiếng. Lúc
này, Lý ma ma trong phòng đang khuyên nhủ Thôi Thị.
“Phu nhân việc gì phải hành hạ bản thân như vậy, người nhìn sắc mặt
mình mà xem, ngay cả son phấn cũng không che lấp được đây này.” Lý ma
ma vừa xót xa vừa lo lắng.