“Không được tuyển chọn thì thôi, có gì to tát cơ chứ? Ông ấy không
chọn con là vì không có mắt. Giới ca nhi, con đừng làm mẹ sợ, sau này con
thi đỗ trạng nguyên cho ông ấy xem, để ông ấy thấy rằng có mắt mà không
trông thấy ngọc. Ông ấy cũng bảy, tám mươi tuổi, mắt đã kém, con đừng suy
nghĩ nhiều nữa, Giới ca nhi, Giới ca nhi…” Thôi Thị lo lắng quanh quẩn bên
con trai, vừa bón canh sâm, vừa ấn vào huyệt nhân trung.
Vinh tam gia ngồi bên không nói năng gì. Ông không suốt ngày quanh
quẩn trong nhà như vợ nên đương nhiên hiểu rõ, việc không trở thành đệ tử
của Đổng Di sẽ là tổn thất lớn trong cuộc đời của Vinh Giới. Vinh tam gia
còn cảm thấy buồn hơn cả Vinh Giới, nhưng cũng không dám trách con.
Ông đã xem bài văn do Vinh Giới làm, văn phong hoa mỹ, ngôn ngữ giàu
hình ảnh, phân tích sâu sắc, có thể coi là bài văn hay, nhưng không hiểu sao
lại không được chọn.
Vinh tam gia tự nhiên thấy hoài nghi tài năng của mình, Vinh Giới đang
ngồi đờ đẫn ở đó cũng hoài nghi về tài năng và học vấn của mình. Trong mắt
hai người họ, tài năng và tầm nhìn của Đổng Di là điều không phải bàn cãi,
người không trúng tuyển thì chỉ có thể là chưa đủ tài.
Tính đến nay, Đổng Di mới thu nhận năm đệ tử, năm người ấy sau đó
đều đỗ trạng nguyên, chỉ cần như vậy cũng đủ biết ngài là danh sư thế nào.
Vì A Vụ biết hai đệ tử cuối cùng mà Đổng Di thu nhận, lại từng đọc
qua văn Chương thơ ca của họ nên càng không cảm thấy Vinh Giới kém cỏi
ở điểm nào, nàng là người ngoài cuộc nên càng nhìn nhận rõ vấn đề hơn.
A Vụ không nghi ngờ tài năng của Vinh Giới, huynh ấy không thể nào
không lọt vào mắt Đổng Di được. Điểm đáng nghi nhất là kẻ học đòi như
Vinh Mân mà lại có thể qua được cửa ải thứ hai, đúng là khôi hài nhất thiên
hạ.
Chúng ta sớm đã biết, A Vụ chính là người không sợ nghĩ về người
khác ở mức tồi tệ nhất.