đối với A Vụ không phải quá nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời
nàng nhìn thấy số tiền lớn đến vậy.
A Vụ giữ lại cuốn sổ đợi có thời gian sẽ xem, cũng không thu lại hộp
đựng ngân lượng mà đẩy về phía Liễu Kinh Nương. “Số tiền này dì cầm lấy
làm vốn, chỗ ta bây giờ cũng không thiếu tiền tiêu”. Tiền sinh ra tiền mới là
quy tắc vàng trong buôn bán.
Liễu Kinh Nương cũng không từ chối. “Có khoản tiền này, cửa hiệu
của chúng ta sẽ càng phát triển hơn.”
A Vụ gật đầu. Mùa hè năm đó, A Vụ đã chia một phần lợi nhuận cho
mẹ con Liễu Kinh Nương, chia nửa phần cho Bành nhũ mẫu, khiến cho mấy
người họ dốc hết tâm gan phụ giúp nàng.
Liễu Kinh Nương thì kinh doanh cửa hiệu, còn Bành nhũ mẫu quản
việc dạy dỗ các thợ thêu.
Một năm nữa trôi qua, A Vụ lại nhận được tin từ Liễu Kinh Nương, bà
nói rằng đã mở thêm một cửa hiệu nữa ở con phố Trường An Môn phồn hoa
bậc nhất kinh thành, giờ cửa hiệu không chỉ bán các thành phẩm họ Thôi,
mà còn bán các loại vải khác, có một số vải mới là do Liễu Kinh Nương đến
các phường sản xuất nhỏ gần kinh thành đặt mua. Những phường sản xuất
ấy vì vốn ít không mở được cửa hiệu nên chỉ buôn bán nhỏ, nay có Liễu
Kinh Nương đứng ra thu mua, còn ký văn tự mua bán với họ, trở thành cửa
hiệu độc quyền, mang đậm bản sắc của cửa hiệu “Thôi Ký”.
“Thôi Ký” là tên A Vụ đã suy nghĩ rất lâu. Chữ “Thôi” trong “Thôi
Ký” đồng âm với chữ “Thôi” trong nghề thêu nhà họ Thôi, còn có nghĩa là
“lóng lánh, rực rỡ”, cũng là đặc điểm của nghề thêu họ Thôi - màu sắc tươi
sáng, óng ánh lóa mắt.