Nếu không mượn tiền thì sẽ không đủ tiền đi biếu xén, sẽ đắc tội với
các đại lão gia trong kinh thành, sau ba năm nhậm chức trở về kinh thì đừng
mơ được thăng quan tiến chức, cũng có trường hợp chưa đủ ba năm đã có
người đến thay vị trí ấy rồi. Những rắc rối phức tạp trong chuyện này, ông
chẳng thể nói với vợ. Thế nên Vinh tam gia trằn trọc cả đêm không ngủ.
Thôi Thị và Vinh tam gia dù sao cũng là vợ chồng mười mấy năm, ông
nói mình đã có cách, nhưng trông bộ dạng của ông, Thôi Thị biết là chẳng
còn cách nào nữa.
Thế nên sáng hôm sau Thôi Thị liền đem chuyện này kể với A Vụ và
hỏi tình hình của tiệm thêu may.
A Vụ cũng biết chút ít về chuyện này nhưng không ngờ lại phải chi
nhiều đến vậy. Nàng trầm mặc hồi lâu rồi mới nói: “Hai năm qua, tiệm thêu
may buôn bán cũng được, mẹ cho con ba ngày để con nghĩ cách nhé!”
Thôi Thị gật đầu, không cảm thấy kỳ lạ chút nào, bà đem gánh nặng
như thế đặt lên vai một cô nhóc mười một tuổi nhưng lại rất yên tâm.
Chỉ hai ngày sau, A Vụ đã đem tờ ngân phiếu ba nghìn lạng đặt vào tay
Thôi Thị.
Không chỉ Thôi Thị, Vinh tam gia biết chuyện cũng cực kỳ kinh ngạc,
gọi A Vụ đến trước mặt, hỏi: “Con lấy đâu ra nhiều ngân lượng như vậy?”
A Vụ không giấu Vinh tam gia, kể lại lợi nhuận hai năm qua của cửa
hàng và chuyện lụa Tuyết Hoa với cha. Nhưng A Vụ lại nhường hết công
lao cho Liễu Kinh Nương nên Vinh tam gia không hề nghi ngờ nàng, chỉ
khen nàng gặp may, chỉ tùy tiện cứu người mà người đó lại hữu ích đến vậy.