“Ồ, chất vải đó mua ở tiệm Tứ Quý Cẩm phía nam kinh thành. Hoa
tường vi đó được dệt trên vải, màu sắc thay đổi theo ánh sáng trông rất
giống hoa thật, cũng là mốt mới ở Giang Nam.” Thôi Thị nói.
“Đúng thế, nhìn bông hoa như đang nở vậy.” La nhị phu nhân cũng có
ấn tượng sâu sắc với bộ váy áo đó, nhưng không ngờ nó lại đặc biệt đến thế,
chưa đến mấy ngày mà Thôi Thị đã không nhớ gì, chứng tỏ bà có rất nhiều
quần áo.
La nhị phu nhân trong lòng vừa mừng rỡ vừa ghen tị. Cũng là đàn bà
với nhau, Thôi Thị còn là dâu thứ con vợ lẽ, nhưng lại sung sướng hơn cả
một người dâu trưởng con trưởng như bà.
An Bình Hầu gia mặc dù là hầu phủ, bề ngoài lộng lẫy, nhưng bên
trong thì rỗng tuếch, con cháu bất tài, sự nghiệp tổ tiên phấn đấu bao năm
giờ cũng sắp mất trắng.
La nhị phu nhân bình phẩm thêm vài câu về chất liệu vải rồi chuyển
chủ đề sang Vinh Giới. Vinh Giới năm nay mười chín tuổi, nếu Thôi Thị
không cùng Vinh Tam gia đi Giang Nam thì có lẽ đã hứa hôn cho cậu từ lâu.
Lần này Thôi Thị trở về, ngoài việc sốt sắng tìm bà mai lo chuyện hôn sự
cho A Vụ, bà còn nghe ngóng chuyện lấy vợ cho Vinh Giới.
La nhị phu nhân mượn cớ đến đây là có dụng ý, lại đặc biệt dẫn hai con
gái đến là muốn “nhà ở gần hồ hưởng trước ánh trăng.”
Vinh Giới là con trai cả của Thôi Thị, trong tương lai là trụ cột của gia
đình nên hôn sự của cậu cần phải lựa chọn thận trọng. Vinh tam gia đã dặn
Thôi Thị nhiều lần, chọn vợ cho con trai phải để ông xem mắt, gật đầu rồi
mới có thể đồng ý. Thế nên Thôi Thị đâu dám tự ý. Huống hồ hai vị cô
nương họ Kim mặc dù không đến nỗi nào, nhưng cũng chẳng có điểm gì đặc
biệt nên Thôi Thị rất khó xử.