Hoàng tử kết hôn, đại thần văn võ theo lệ là phải đến chúc mừng và
mang quà tới, nhưng họ lại mượn cớ đang phải làm nhiệm vụ cấp bách hoặc
cha mẹ bị bệnh nên vội vã ra về, tất nhiên cũng có người ở lại uống cốc rượu
mừng.
Có điều, đại hỷ của Tứ Hoàng tử quả là đạm bạc, chưa nói đến quy
cách bình thường, rượu và đồ ăn uống bình thường, thì người đến dự tiệc
cũng vô cùng ít ỏi, đa số chỉ là anh em trong hoàng tộc, dù sao họ cũng là
người nhà nên ngại không dám về.
Ngũ Hoàng tử và Lục Hoàng tử dẫn theo người đẹp đến, đang tranh
nhau thể hiện tình cảm huynh đệ “yêu thương lẫn nhau”. Thất Hoàng tử thì
đứng bên cười giả lả, đòi nhìn mặt cô dâu mới.
Lúc này, lễ đã xong xuôi, Tứ Hoàng tử Sở Mậu đi trước, trong tay cầm
dải lụa đỏ, một đầu của dải lụa buộc vào tay A Vụ, họ bước vào động phòng
trong sự vây quanh của bà mối và người thân.
Phòng tân hôn chính là Ngọc Lan Đường, phía đông của phủ Kỳ
Vương. Ngọc Lan Đường được xây dựng theo quy định phòng ngủ của thân
vương, nóc nhà cao vút như một ngọn núi được che bằng ngói lưu ly xanh,
cho dù bạn là thần tử, quan nhất phẩm cũng không được sống ở một nơi có
quy mô như vậy, chỉ có phòng ngủ của thân vương mới thế. Chẳng trách bao
nhiêu gia đình biết rõ “hoàng gia thâm sâu như biển” nhưng vẫn tranh giành
đến đầu rơi máu chảy để được gả con vào hoàng tộc.
Trong Ngọc Lan Đường lúc này đông đủ các quý phu nhân, mặc dù
hôm nay khách nam giới ở lại uống rượu mừng không nhiều, nhưng các quý
phu nhân đều tò mò về dung mạo của Tứ Hoàng phi, mà những người này ở
nội viện thì đâu có bận việc gì, thế nên muốn ở lại phủ Kỳ Vương ăn một
bữa và cũng coi như giữ thể diện cho Tứ Hoàng tử và hoàng thất.
Long Khánh Đế là một người cha điển hình trong việc bản thân thì
không coi con trai ra gì, nhưng lại không cho phép ai coi thường chúng.