Hồi lâu, A Vụ ngoảnh đầu lại mới phát hiện ở trên bàn có hộp gỗ tử
đàn sơn vàng khắc cánh mẫu đơn, có lẽ là do Cố Đình Dịch để lại.
A Vụ mở hộp, thấy chia làm hai ngăn. Ngăn trên là một viên kim
cương, hai viên ngọc màu đỏ và xanh, một số viên ngọc nhỏ hơn màu hồng,
xanh lam và vàng. Đồ trang sức quý giá này khiến A Vụ có chút kinh ngạc.
Những đồ đắt tiền thế này, hồi nàng là Quận chúa cũng không thấy nhiều.
Ngăn phía dưới của chiếc hộp là một xấp ngân phiếu, mỗi tờ trị giá một trăm
lạng, đếm sơ qua cũng ít nhất có khoảng hơn năm mươi tờ.
A Vụ nghĩ, có lẽ đây là toàn bộ tài sản của nhị ca, bây giờ giao tất cho
nàng. Trái tim A Vụ bỗng thắt lại, không hiểu nhị ca đi Liêu Đông với tâm
trạng thế nào mà bỏ lại toàn bộ gia sản như vậy.
A Vụ trở về phòng và ngắm mình qua gương, cảm giác đầu tiên của
nàng là: Nếu gương mặt này đủ bình thường thôi thì sẽ không làm nhị ca
rung động để đến nỗi cả hai luôn cảm thấy xa cách và ngại ngùng, và huynh
ấy cũng không vì đau lòng mà bỏ đi viễn xứ. Nhưng dù thế nào, trong lòng
của A Vụ, Cố Đình Dịch mãi là nhị ca của nàng, có những chuyện nàng chỉ
có thể giả ngốc mà thôi.
Lập thu, thời gian trôi như tên bay, ngày tháng cứ thế vô tình trôi,
chẳng mấy chốc đã đến ngày Mười sáu tháng Tám.
Nghi thức của hoàng tộc phức tạp và cứng nhắc, A Vụ phải mặc cát
phục của tân Vương phi, được Vinh Giới cõng lên kiệu hoa trong tay cầm
quả táo đỏ, trên đầu là vương miện bằng vàng, nặng đến nỗi cổ sắp gãy đến
nơi, theo đó là chánh, phó sứ dẫn đầu nghi thức đón dâu rời khỏi Vinh phủ,
bước đến một nơi mà nàng sẽ phải sống ở đó lâu dài - phủ Kỳ Vương.
Phủ Kỳ Vương lúc này dán giấy đỏ khắp nơi, đèn chăng đủ màu, kẻ
hầu người hạ đi ra đi vào nhẹ nhàng, vẻ mặt e dè, nói thẳng ra là mặt người
nào cũng buồn buồn, đại khái nếu là đám ma cũng chỉ có vẻ mặt ấy là cùng.