A Vụ nhận ra sự kinh ngạc của Vinh Cát Xương, giả như không biết,
chỉ mỉm cười nói: “Cha chỉ giúp con chỗ sai đi ạ.”
“Bài văn này là con làm à?” Vinh Cát Xương không tin.
A Vụ láu lỉnh ôm cổ Vinh Cát Xương. “Cha thông minh thật đấy, bài
văn này A Vật không làm, mà là bài văn hôm qua con nằm mơ, cảm thấy
hay nên sáng sớm thức dậy vội vàng chép lại không sợ quên mất.”
Vinh Cát Xương nửa tin nửa ngờ, nhưng chắc chắn bài văn này không
phải do A Vụ làm, vì những bài văn hay như thế này ông chưa đọc bao giờ,
nếu hay thì đã được lưu truyền từ lâu, thế nên ông mới tin phần nào chuyện
A Vụ nằm mơ này.
Ông lại nhớ Vinh Giới có nhắc đến chuyện A Vụ xem văn bát cổ, có lẽ
ban ngày đọc nhiều rồi nghĩ ngợi dẫn đến ban đêm nằm mơ cũng nên,
chuyện này thỉnh thoảng cũng xảy ra. Có lúc trong giấc mơ ông cũng hay
nghĩ ra những câu hay, tỉnh dậy phải vội ghi lại để cùng bạn hữu bình phẩm.
Họ từng nhận xét những câu văn này viết hay hơn cả lúc thức, Vinh tam gia
cũng cho là như vậy.
A Vụ đã giao được bài văn cho cha, cũng không muốn làm phiền ông
nữa nên lui ra ngoài để ông một mình suy ngẫm.
Người học văn thấy bài văn hay như thợ săn gặp con mồi, như kẻ
nghiện rượu ngửi thấy mùi rượu ngon... không thể không tỉ mỉ thưởng thức.
Vinh Cát Xương cũng không ngoại lệ, cả buổi tối ông đều ngâm nga bài văn
này.
Gần đến ngày thi A Vụ mới giao bài văn cho cha, mục đích thứ nhất là
để Vinh Cát Xương nhớ lâu hơn, đi thi sẽ không bị mơ mơ hồ hồ, thứ hai là
sợ ông khoe bài văn này với đám bạn hữu, làm hỏng kế hoạch của A Vụ.