Một điều khác cần lưu ý là, khi không biết câu trả lời, bạn đừng liều lĩnh
“sáng tạo” ra một câu trả lời nào đó. Những dấu hiệu bất thường ở bạn sẽ
khiến bạn bị “lộ tẩy” ngay lập tức, chẳng hạn:
- Bạn cà lăm.
- Bạn lúng túng không trả lời ngay.
- Bạn nhìn xung quanh phòng như thể để tìm câu trả lời.
- Bạn ú ớ với những cụm từ phổ biến: “À… ừm…”
Tôi từng rơi vào trường hợp tương tự. Đó là khi tôi “bịa” ra câu trả lời
trong lần phỏng vấn vòng hai tại một công ty danh tiếng. Cuộc phỏng vấn
thứ nhất diễn ra tốt đẹp, nhưng lần hai thì có sự hiện diện của bà Phó chủ
tịch nhân sự, và rắc rối tôi gặp phải cũng từ đó.
Trong suốt thời gian phỏng vấn, bà ta hầu như im lặng, mãi đến những
phút cuối, bà bắt đầu lên tiếng hỏi tôi những câu khá kỳ quặc, chẳng liên
quan gì đến công việc. Trong đó, có một câu bà hỏi rằng công ty tôi từng
làm có tất cả bao nhiêu nhân viên. “Chết tiệt! Mình làm sao mà nhớ được,
vì cũng chẳng cần thiết phải nhớ làm gì!” – Tôi thầm nghĩ. Nhưng vốn có
tài ứng biến nên tôi nhanh chóng bịa ra một con số nghe cũng có vẻ hợp lý.
Nhưng bất ngờ, mọi thứ sụp đổ. Bà ta làu bàu “cảm ơn” rồi đứng dậy, bỏ
đi.
Khi trả lời câu hỏi cuối cùng của bà ấy, tôi chắc mẩm là bà muốn xem tôi
hiểu rõ tổ chức của mình như thế nào. Nhưng bây giờ, tôi mới nhận ra rằng,
bà ấy chỉ muốn xem tôi có đủ can đảm để trả lời “Tôi không biết” trước
một câu hỏi “khó” như vậy không.
Vì vậy, qua kinh nghiệm thực tế, tôi mong bạn hãy cứ thành thật. Do mới
bắt đầu làm việc nên việc bạn không biết cách giải quyết và trả lời một câu
hỏi nào đó cũng là chuyện bình thường. Điều quan trọng là bạn phải biết
thừa nhận khiếm khuyết của mình và sẵn sàng đi tìm đáp án.