âm thầm trong đêm tối...
Lúc bấy giờ không ai hiểu được Tuấn. Chung quanh toàn là thế lực và uy
quyền của người Pháp, nịnh Pháp sợ Pháp, đa số coi người Pháp như thần
thánh, Tuấn vẫn lặng yên, âm thầm nhẫn nại, ngày hai buổi đi làm việc của
mình, không tỏ ra một dấu hiệu gì bất mãn cả. Chàng được các quan tin cậy
lắm, và các quan "An Nam" kính nể, tuy chàng còn trẻ tuổi quá, mới 17
tuổi, một thiếu niên vừa tốt nghiệp trường Quốc Học ở Kinh đô . Thời kỳ
Trần anh Tuấn là một "quan Phán đầu toà" ngoan ngoãn hiền lành, chính là
thời kỳ chàng im lặng, âm thầm, chưa tiết lộ tâm chí của chàng còn bao
nhiêu bí ẩn...
Nói đúng ra, từ ngày Trần anh Tuấn vào làm việc trong toà Sứ, hoàn cảnh
của gia đình Tuấn đã thay đổi khá nhiều. Dĩ nhiên, hoàn cảnh mới cần phải
thích hợp với địa vị mới của chàng và chàng đã được công nhận là một
thanh niên trí thức Tây học, đứng đầu trong toà Sứ, cũng như đứng đầu
trong cả tỉnh, chưa ai so sánh kịp. Chiều theo lời cầu khẩn của Tuấn, chú
Ba thân sinh của chàng, không làm nghề thợ mộc nữa.
Không phải Tuấn chê cái nghề ấy là hèn hạ. Tuấn không bao giờ có ý nghĩ
trưởng giả như thế. Trái lại, sinh trưởng trong gia đình bình dân. Tuấn luôn
luôn có tư tưởng bình dân, và thích thân cận với giới bình dân hơn là giới
thượng lưu phong kiến. Nhưng số lương bỗng mỗi tháng của Tuấn có thể
cung cấp đầy đủ cho gia đình mức sống hàng ngày có thể tăng lên phần
nào, khỏi cần phải ra sức làm việc lao động của người cha già như trước
nữa. Tuy đã được thấm nhuần sớm hơn và sâu đậm hơn cái phong trào văn
minh tinh thần và vật chất của người Pháp đang lan tràn các từng lớp xã hội
Việt Nam, Tuấn vẫn giữ được căn bản tinh hoa của giống nòi mà lúc bấy
giờ người ta thường gọi là "Quốc Hồn Quốc Túy" của dân tộc Việt Nam.
Tuấn thường nói với cha : "Thưa cha, hồi con còn nhỏ dại, cha phải làm
việc cực nhọc để nuôi sống gia đình, nay con đã đi làm có tiền, con có thể
phụng dưỡng Cha Mẹ và nuôi em con. Cha mẹ cứ nghỉ chơi cho khoẻ, để
dưỡng tuổi già".
Bà con hàng xóm và trong làng, trong tỉnh, đều khen Tuấn là có hiếu. Họ
rất tán thưởng ý nghĩ của Tuấn, và cũng khuyên chú Ba nên nghỉ nghề thợ