Nguyễn Vỹ
Tuấn, chàng trai đất Việt
Chương 2
Cả khu phố Cửa Bắc, và cả làng Chánh Lộ, ở ngay tỉnh lỵ, không ai ngờ
cậu Bốn Thanh học trò chữ Nho của ông Tú Phong, bây giờ lại cắp vở đến
trường Nhà Nước học chữ Tây. Ai hỏi: tại sao? Thì cậu trả lời: Tại Nhà
Nước Đại Pháp bắt buộc, không đi học thì bị tù.
Nhưng không đúng thế đâu. Trước đây, trong tỉnh ai cũng biết rằng cậu học
chữ Quốc Ngữ (học lén) là tại cô Ba Hợi. Nhưng bây giờ không ai biết rằng
cậu đi học chữ Tây - học công khai, làm "lắc léo mê dòng lô" cũng là tại cô
Ba Hợi.
Cho cuộc tình duyên âm thầm lén lút của nàng và chàng đã khắn khít bởi
một lời thề . "Thệ Hải Minh Sơn" ở bụi tre "thổi kèn", cách Cửa Bắc ba
trăm thước, không biết từ hồi nào. Nhưng có điều chắc chắn, là cô Ba Hợi,
16 tuổi, con gái ông Bá Hộ, một nhà giàu nhất ở Phố Cửa Bắc, không muốn
cậu Bốn học chữ Nho nữa. Cô thấy thời thế đã đổi thay, có mấy người trong
tỉnh đã bỏ bút lông, cầm bút sắt, mới học trường Nhà Nước không bao lâu,
nay đã làm thầy giáo, làm thông ngôn, thầy Ký lục, được ăn lương Nhà
Nước, được địa vị sang trọng, được chức Bát phẩm, Thất phẩm của vua
ban. Cô yêu cậu Bốn Thanh, nhưng cô chỉ bằng lòng làm vợ của cậu với
một điều kiện nhất định, là người yêu của cô phải đi học chữ Tây ở trường
Nhà Nước, phải thi đậu làm thầy Thông, thầy Ký. Đôi trai gái thề thốt với
nhau trong lúc trường Nhà Nước - gọi là trường Sơ Học Pháp Việt - đang
lúc nghỉ hè niên khoá 1911-1912.
Thằng Chuột, từ nay tên chánh thức là Trần Anh Tuấn, hết kỳ nghỉ hè, đã
được lên lớp Ba . Nó đi khoe với mọi người là nó học "cua ê lê măng te"
(cours élémentaire) và cuối niên khoá nó sẽ đi thi bằng cấp tuyển sanh . Nó
đã 11 tuổi, nói tiếng Tây "bông bốc".
Ngày nhập học, chàng thanh niên Lê văn Thanh, vẫn để búi tóc trên đầu,
vẫn bịt khăn đen, mặc áo dài đen, chân mang guốc, cặp hai quyển vở và cây
bút sắt, cây bút chì, thước gạch, bình mực tím, bẽn lẽn đến trường. Đây là