Nguyễn Vỹ
Tuấn, chàng trai đất Việt
Chương 5
Lê văn Thanh muốn đám cưới của chàng với cô Ba Hợi phải được long
trọng vì ba lý do: thứ nhất, vì cô Nguyễn thị Hợi là cô gái đẹp nhất trong
tỉnh - ai ai cũng công nhận như thế - và chàng hãnh diện được cưới cô làm
vợ. Cô Ba vừa đẹp, lại vừa là con một ông Bá Hộ, nhà giàu. Chàng được cả
tình lẫn tiền. Thứ hai, chàng không quên rằng chính cô Ba đã xúi chàng bỏ
chữ Nho, học chữ Tây, và bắt buộc chàng phải thi đỗ làm chức thầy Ký, cô
mới chịu làm vợ chàng, cho nên bây giờ chàng mới thành đạt được "công
danh" chàng làm một thầy Ký "văn minh", chứ không còn là anh Nho sĩ
"quê mùa" nữa. Lý do thứ ba - là từ hôm làm thông ngôn dịch sai lầm cái
lịnh của cụ Sứ truyền cho làng xã về việc đề phòng hoả hoạn, chàng bị cụ
Sứ tức giận la mắng, không tin cậy chàng nữa, và lại bị Ông Phán đầu Toà
càng chê cười, khinh bỉ, chàng muốn thừa dịp chàng cưới vợ, mời cụ Sứ dự
tiệc lấy lại chút cảm tình của Quan Thầy "Đại Pháp", để làm oai với làng
xã, và để rửa cái nhục với bạn đồng nghiệp "Quan Phán đầu toà".
Đám cưới đã sắp đặt từ lâu. Việc chọn "ngày lành tháng tốt" và mọi thủ tục
về hôn lễ, đã có ông Hương Cả lo . Lê văn Thanh nghĩ đến việc mời các
quan khách. Lúc bấy giờ, trừ ở Hà Nội và Saigon mới có 3, 4 cái nhà in - và
giá in rất đắt - còn ở Huế và các tỉnh khác của Việt Nam chưa đâu có một
"ấn quán".
Những đồ in, không nhiều, hầu hết là của Nhà Nước - tư nhân chưa biết sử
dụng các tiện nghi của ấn loát. Như in thiệp mời, hoá đơn, danh thiếp, v.v...
Lê văn Thanh ghi số quan khách phải mời dự tiệc, trên một tờ giấy sau đây:
- Quan Công Sứ và bà Đầm.
- Quan Phó Sứ và bà Đầm.
- Quan Thầy Thuốc (Bác sĩ Pháp giám đốc nhà thương tỉnh).
- Quan Tuần Vũ (Tỉnh trưởng Việt Nam).
- Quan Án Sát (Chánh Án Việt Nam).
- Quan Đốc Học.