nous.
Ông Sứ vẫn hiểu được và niềm nở, nói bập bẹ vài tiếng Việt mới học, chêm
với tiếng Pháp:
- Tốt lam! Tốt lam! Je viendrai. Dis à ton père, quan su cam on (tốt lắm! tốt
lắm! Ta sẽ đến, nói với cha mầy rằng quan Sứ cám ơn).
Đến Viên Phó Sứ Pháp, hai cha con Lê văn Thanh cũng đóng trò lố lăng
ấy...
Ngày 14 tháng 9 âm lịch là ngày Thanh cưới vợ, trúng chủ nhật. Lúc bấy
giờ đồng hồ chưa được thông dụng, chính Thanh đi làm việc nhà nước mà
cũng không có đồng hồ. Người Việt Nam hãy còn theo giờ "Ta - Tý, Sửu,
Dần, Mẹo..." Giờ lành đã được ông Hương Cả chọn để xuất hành rước dâu
là giờ Thìn "mặt trời đã lên cao một chân đòn gánh", nghĩa là vào khoảng 9
giờ sáng.
Từ sớm, Lê văn Thanh đã thuê hết tất cả các xe kéo ở tỉnh, toàn xe bánh
sắt, chỉ vỏn vẹn có 5 chiếc. Thành thử, hôm ấy tại tỉnh lỵ không còn một
chiếc xe nào nữa cả. 5 chiếc xe kéo đã chờ trước cổng nhà ông Hương Cả.
Ông Hương, bà Hương ngồi chung một chiếc đi đầu tiên. Anh phu mặc áo
cụt vá vai, quần rách ống, đầu đội chiếc nón cời (nón rách), khom lưng kéo
ì à ì ạch, vì ông Hương quá mập lại đèo thêm bà Hương ngồi trên một bắp
vế của ông. Chiếc xe thứ hai chở ông mai dong, chiếc thứ ba chở ông chú
và bà thím. Chiếc thứ tư, thứ năm chở hai ông cậu và hai bà mợ. Trai chưa
vợ, gái chưa chồng, dù là anh em chị em ruột cũng không được đi trong
đám rước dâu. Không có tục lệ phù dâu, phù rể. Lê văn Thanh thì cưỡi
ngựa đi sau cùng, con ngựa hoe, mượn của ông Chánh tổng sở tại, cậu ruột
của chàng. Chàng mặc quần lụa trắng, áo gấm xanh, ở trong còn mặc lót
một áo dài trắng nữa, và mang giầy Hạ. Đáng lẽ chàng phải bịt khăn đen -
khăn đóng - nhưng chàng muốn làm oai, nên đội mũ trắng, vì lúc bấy giờ
chỉ có mấy thầy làm việc nhà nước mới đội mũ trắng mà thôi - trừ ra học
trò - toàn thể dân chúng hãy còn đội nón lá hoặc che dù đen.
Từ nhà Lê văn Thanh ở xóm Cửa Bắc đến nhà cô Ba Hợi, chỉ xa chừng một
cây số. Nhờ mùa thu mát trời, năm anh "cu li kéo xe" cũng không mệt lắm,
nhưng vì xe nào cũng chở hai người nên mấy anh kéo đi chậm rì chậm rịt.