đèn sáng trưng trong phòng diễn thuyết, thêm vào những khuôn mặt bệ vệ
của quan khách, nhất là phái nữ lưu tân tiến, ngôì san sát ở mấy dãy ghế
danh dự phía trước, đối diện ngay Tuấn.
Diễn giả mới 24 tuổi, ở tận ngoài Hà Nội xa lắc xa lơ vừa tới Saigon lúc 7
giờ sáng coi bộ áy náy, bẽn lẽn, lần đầu tiên tiếp xúc với cả Saigon trí thức
văn nghệ, thanh niên, công tư chức, nghiệp chủ. Trong số chắc chắn có
những “ công tử Bạc Liêu “ mà tiếng tăm bay tận đến cả Trung kỳ và Bắc
kỳ.
Hình như tên tuổi của Tuấn trên các sách và báo của Tuấn đã xuất bản, và
đề tài diễn thuyết “ Phụ Nữ Hà Nội, Huế, Saigon“ đã lôi cuốn những đám
đông người đến đây, vì theo lời Trần Quốc Bửu, và cả ông hội trưởng
Nguyễn Khắc Nương, thì từ trước đến giờ ở Saigon chưa có cuộc diễn
thuyết nào hấp dẫn được số thính giả đông đảo như thế.
Ông hội trưởng đã đứng tuổi, người nhỏ, thấp, phải cố nói thật lớn những
lời giới thiệu :
- Ông Trần Tuấn là tác giả những quyển sách có giá trị như...
Ðến đây ông luống cuống thế nào bèn quay sang hỏi Tuấn, để cầu cứu :
- Những quyển gì ? Tự nhiên tôi quên mất …
Tuấn mĩm cười đáp :
- Tôi cũng không nhớ.
Thính giả cười rồ lên dậy cả phòng. Ông hội trưởng nhanh trí, nói tiếp :
- … Ông là tác giả những quyển sách có giá trị mà quý ông, quý bà, quý cô
ở đây đều biết, khỏi cần tôi giới thiệu ….
Tuấn phớt tỉnh, nhìn những nụ cười khoan hồng nở trên môi những người
ngôì nghe ông hội trưởng khả ái của hội SAMIPIC.
Xong mấy câu giới thiệu khá dài, khá lâu, ông nhường lời cho diễn giả.
Lúc bấy giờ chưa có microphone (máy vi âm). Trên bàn diễn giả có một
bình hoa (5 cành sen trắng nở thơm phức), một carafe bằng thủy tinh đựng
đầy nước lã trong veo, và một cái ly lớn. Tuấn bắt đầu nói nhỏ quá, vì run
sợ.
Một người đứng tít ở cửa sổ cuối phòng, lên tiếng :
- Xin nói lớn, ở xa không nghe được gì hết.