Bổng nhiên bựt lên một ánh sáng magnesium sáng rực của một nhiếp ảnh
viên nhựt báo, chói ngay vào mắt diễn giả. Tuấn phải im lặng một phút để
giữ vững tinh thần, rồi cố lấy giọng nói thật to cho vừa với thính giác của
mọi người.
Micro mới xuất hiện ở Việt Nam trong các hội trường của chính phủ từ
năm 1948.
Trước đó, thật đáng thương hại cho những kẻ phải nói trước một công
chúng đông đảo và thương hại cả cho công chúng ấy. Diễn giả, hoặc thuyết
trình viên, phải vận dụng hết gân cốt để nói thật lớn, thật to, thì mọi người
mời nghe được, nhất là cử tọa quá đông và giảng đường quá rộng. Công
chúng phải chịu khó lắng nghe và hết sức chăm chú mới nghe được trọn
vẹn.
Thường xẩy ra trường hợp một thính giả sổ mũi, nổi cơn ho sù sụ, là toàn
thể cử tọa bắt buộc nghe tiếng ho có khi dài hàng tràng, thường làm cho
diễn giả bị cụt hứng luôn.
Tuấn đã được dự nhiều buổi diễn thuyết ở Hà Nội của các bậc trí thức An
nam và Pháp. Nguyễn Văn Vĩnh, chủ nhiệm Trung Bắc Tân Văn, diễn
thuyết về Truyện Kiều ở Hội Quán Hội Trí Tri, phố hàng Quạt. Giọng nói
tự nhiên của nhà văn to con ấy đã ồ ồ rồi, Tuấn đứng với một đám đông ở
ngoài sân hội quán cũng nghe rõ từng tiếng.
Trái lại, Phạm Quỳnh, chủ nhiệm tạp chí Nam Phong, diễn thuyết tại giảng
đường (amphitheatre) trường Cao đẳng Ðông dương, phố Bobillot, về “ Le
paysan tonkinois à travers le parler populaire “. Giọng của ông nhỏ nhẹ, ra
vẻ nhà triết học nho gia. Tuấn ngôì trong đám sinh viên Cao đẳng, hết sức
lắng tai để nghe mà câu được câu mất, thật bực mình. Những đứa bạn của
Tuấn ngồi cùng một dãy ghế cũng bị tình trạng chung ấy.
Giáo sư Bernard, thạc sĩ văn chương. Viện trưởng Cao đẳng Học đường,
diễn thuyết về nhà văn Emile Zola. Ông la thét, gào, thiếu điều bể bức trần
của giảng đường, sinh viên và quan khách nghe đã ! Cử tọa vỗ tay đôm đốp
không biết bao nhiêu lần.
Trái lại, ông De Lagarde, giám đốc nhà Bưu điện Bắc kỳ, diễn thuyết về “
La Caodaisme “ tại cinéma Majestic, đại lộ Ðồng Khánh, Tuấn tìm chỗ