hoặc công khai, bán công khai, hoặc ngấm ngầm của các đảng phái chính
trị chống thực dân đế quốc Pháp, đạo Cao Ðài tuy được sơn phết dưới một
lớp màu sắc tôn giáo, vẫn được các giới trí thức thượng lưu và trung lưu coi
như che dấu một khuynh hướng cách mạng lẫn với huyền bí, có tính chất
đặc biệt Á đông.
Tuấn cảm thấy vô cùng thích thú, một hôm sau bữa cơm chay chiều với ông
Phạm Công Tắc, trong lúc dùng trái cây tráng miệng, Tuấn gợi chuyện
quốc sự, được ông Hộ Pháp, lãnh tụ Cao Ðài tin cậy nói nhỏ cho Tuấn nghe
:
- Từ ngày ông Phan Chu Trinh từ nước Pháp về diễn thuyết ở Saigon, và
ông Phan Bội Châu ở Tàu về cư ngụ tại Huế, quốc dân An nam đặt nhiều
tin tưởng nơi các bậc chí sĩ làm cách mạng ở hải ngoại . Hiện giờ, còn Ðức
Kỳ ngoại hầu Cường Ðể, rể của vua Nhựt bổn, và chính là cháu ba đời
dòng dõi vua Gia Long, đang ở Tokyo. Ngài là tất cả hy vọng phục quốc
của quốc dân ta bây giờ .
Ðối với Tuấn, câu nói của ông Phạm Công Tắc chẳng phải là một tiết lộ
đặc biệt gì cho lắm, nhưng là một xác nhận đầy ý nghĩa về một vài dư luận
mà Tuấn đã nghe được của giới cách mạng Hà Nội . Sự xác nhận không
ngờ ấy khiến Tuấn có rất nhiều cảm tình với đạo Cao Ðài trên bình diện
cách mạng hơn là tôn giáo . Tuấn quan niệm rằng một vài chống đối xao
động giữa các môn phái Cao Ðài Tây Ninh, Bến Tre, Cầu Kho, giữa các
ông Phạm Công Tắc, Nguyễn Ngọc Tường, Nguyễn Phan Long, v.v…chỉ là
những tranh chấp nội bộ không có ảnh hưởng đến hệ thống trung ương .
Về Hà Nội, với một mớ tài liệu đầy đủ và tranh ảnh sặc sỡ màu sắc của Toà
Thánh Tây Ninh, Tuấn viết trong một tuần báo Pháp ngữ và Quốc ngữ một
loạt bài đề là : "Le vrai visage du Caodaisme”, Tuấn trình bày cho công
chúng nhất là ở Bắc kỳ và Trung kỳ biết rõ tất cả những gì Tuấn đã mục
kích và tìm hiểu về giáo lý và nghi lễ của tôn giáo mới . Nhiều đoạn bài này
đã được trích đăng trong quyển “ Histoire de Caodaisme “ của Gabriel
Gordon, một nhà triết học Pháp theo đạo Cao Ðài và đại diện Cao Ðài giáo
ở Âu châu . ( Histoire de Caodaisme, Bouddhisme rénové, spiritisme
annamite, religion nouvelle en Eurasie, par Gabriel Gordon, Juin 1948. Ed.