một số tiền hàng tháng, bằng ngân phiếu . Ông già “ Xã Hội “ Pháp, chống
thực dân đế quốc Pháp, mà vẫn tiếp tục lãnh tiền dưỡng lão của chính phủ
thực dân đài thọ!
Tuấn không hỏi chi tiết về sự giao thiệp giữa ông và Cao uỷ Pháp ở Việt
Nam, nhưng sự ông lãnh lương hưu trí của Pháp trong khi ông không phải
là công chức, chỉ chứng tỏ tất cả sự giả dối của đảng “ Xã hội “ Pháp
S.F.I.O. đối với cuộc tranh đấu của các dân tộc bị thực dân đô hộ .
Trở lại tình hình Hà Nội năm 1938 – 39, một năm trước khi Ðệ Nhị Thế
Chiến bùng nổ . Tuấn đã sống trong không khí chính trị căng thẳng mà
Hành chánh Thuộc địa Pháp cố tìm cách làm cho êm dịu, để nắm vững dân
chúng .
Ở Trung kỳ, Toà Khâm Sứ Pháp o bế Bảo Ðại, vừa nâng niu chiều chuộng
vị Hoàng đế trẻ tuổi và ham chơi, vừa tăng cường biện pháp bao vây kín
đáo, để tránh mọi sự tuyên truyền và áp lực của mọi phần tử cách mạng
quốc gia . Người đóng vai trò quan hệ nhất trong chính sách ru ngủ của
thực dân Pháp đối với Bảo Ðại, trong giai đoạn tiền chiến này là Phạm
Quỳnh . Ðể được theo dõi sát cạnh Bảo Ðại, viên Khâm sứ Huế đã khuyên
bảo vị quốc vương bù nhìn đưa Phạm Quỳnh, từ chức vị Thượng thư bộ
Giáo dục, bộ Lại, lên địa vị tối cao : Ngự Tiền Văn phòng của Hoàng đế .
Thật ra, đối với Phạm Quỳnh cũng như với tòa Khâm sứ, với Bảo Đại, lực
lượng cách mạng, cộng sản hay quốc gia, ở Trung kỳ và Bắc kỳ đều không
đáng kể . Hầu hết các phần tử có thành tích đấu tranh cộng sản từ 1930 ( Sô
viết Ðô Lương, Nghệ An, và Thanh Hóa, Hà Tỉnh, Quảng Nam, Quảng
Ngãi ) đều bị bắt, bị tù ở các lao tỉnh, hoặc bị lưu đày đi Côn Lôn ( Côn
Ðảo ), và Ban Mê Thuột, Lao Bảo, ba ngục thất ghê gớm nhất, nổi tiếng là
rùng rợn dã man nhất .
Các nhà Cách mạng quốc gia thì một số đã ngã theo Cộng sản Ðệ Tam, một
số nghiêng về Cộng sản Ðệ tứ, chẳng còn lại được bao nhiêu. Hầu hết đã vô
Saigon, hoặc ở Hà Nội, tiếp tực hoạt động, tương đối dể dàng hơn ở Trung
kỳ.
Võ Nguyên Giáp, Ðặng Thái Mai, đều là người miền Trung, ở Hà Tỉnh,
Quảng Bình, nguyên là đảng viên Ðảng Tân Việt, ( quốc gia ) chỉ mới nhảy