Dân chúng, đi buôn bán, từ tỉnh này qua tỉnh nọ, dĩ nhiên là phải đi bộ rồi.
Phần nhiều, họ rũ nhau 5, 10 người đi cho có bạn, hàng mấy trăm cây số,
mất nửa tháng hoặc 20 ngày, có khi hàng tháng. Họ đi bộ như thế từ Quảng
Ngãi ra "Tou-Ranh" ( Tourane, Đà Nẳng ) hoặc từ Hội An vô Nha Trang,
Phan Thiết, Đồng Nai ,(Gia Định - Saigòn).
Vì đường sá xa xôi, xe cộ rất hiếm hoi, lại thiếu thốn tất cả những tiện nghi
trong cuộc viễn hành, vượt núi băng sông dầm mưa, dãi nắng, cho nên một
số người đi buôn bị đau chết dọc đường, một số khác vào đến Đồng Nai rồi
ở luôn đấy sinh cơ lập nghiệp, không muốn trở về. Thỉnh thoảng đôi người
đi Đồng Nai về, khoe rùm lên rằng ở Saigòn nhà cửa phố xá đông nghẹt, có
nhà lầu cao ba tầng, có đường đi rộng ba thước, trên bộ xe hơi chạy "boong
boong", dưới nước tàu thủy chạy "vù vù", tối đến đèn điện thắp sáng
choang như ban ngày , ông Tây bà Đầm ôm nhau "đăng xê" coi vui mắt quá
chừng. !
Thật là văn minh quá sức tưởng tượng của người An Nam ta !
Vì thế ở các tỉnh miền Trung, dân chúng thường ao ước được đi Đồng Nai
một chuyến."Đi Đồng Nai", đó là cả một giấc mộng phiêu lưu, như thể đến
một thiên đường xa lạ ...
Một số đông phụ nữ trẻ đẹp, nhưng buồn duyên tủi phận, giận mẹ chồng
hiếp đáp, hoặc bị chồng hất hủi, thường "cuốn gói đi Đồng Nai - Gia Định
", mặc dầu phải đi bộ. Rồi năm bảy năm sau trở về thăm bà con cô bác, họ
đeo đầy vòng vàng, hột, xuyến, chói lọi trên tay trên ngực, má phấn môi
son, đầu tóc thơm ngát mùi nước hoa. Thường thường cô Hai hay cô Ba
thích dắt theo về một người chồng Đồng Nai, bận quần áo bằng lãnh đen,
chân đi giày Tây, đầu đội mũ Tây, miệng bịt răng vàng, và hút thuốc lá
Tây...
Đàn ông đàn bà ở đất " Hòn Ngọc Viễn Đông " đi về đây trông oai như ông
Hoàng bà Chúa.
Cho nên hầu hết những thanh niên buôn bán ở các tỉnh miền Trung đều đi
bộ theo đường cái quan, hoặc đi ghe bầu theo đường biển, kéo nhau vào
Đồng Nai Lục Tỉnh. Nhưng còn đám thanh niên học sinh, sau khi đỗ bằng
Tiểu học ở tỉnh nhà, thì lại rủ nhau đi Huế, tiếp tục học trường Quốc Học ở